Sự vắng mặt kéo dài của ông Kim Jong Un đã làm dấy lên những tin đồn về sức khoẻ của nhà lãnh đạo Triều Tiên và quan ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của khu vực Đông Bắc Á, theo AP.
Nhưng có một câu hỏi cơ bản đang được tranh luận bởi các cơ quan tình báo cũng như giới truyền thông: Những tin đồn này có xác thực hay không?
Ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hôm 11/4, lần gần đây nhất ông xuất hiện. Ảnh: KCNA. |
Bí mật của những bí mật
Tình hình sức khoẻ của ông Kim được cho là vấn đề lớn vì nó có thể quyết định sự ổn định của Bình Nhưỡng - và vai trò quan trọng của sự ổn định này tại một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đây cũng là vấn đề nhiều nước có liên quan đã gặp khó khăn để tìm lời giải trong hàng thập kỷ. Thu thập thông tin ở Triều Tiên - quốc gia biệt lập nhất thế giới - là điều vô cùng khó khăn.
Những thông tin như thế này chỉ có thể được chia sẻ cho một ít người trong giới quyền lực ở Bình Nhưỡng, bao gồm em gái của ông Kim là bà Kim Yo Jong.
Tuy nhiên, cũng cần nêu lên nỗ lực thất bại của Hàn Quốc. Những người ủng hộ chính phủ tự do hiện tại ở Hàn Quốc đổ lỗi cho hàng thập kỷ cầm quyền của phe bảo thủ trước đây, với lập trường cứng rắn của họ khiến cho trao đổi liên Triều bị hạn chế, dẫn tới sự thiếu nguồn thông tin chất lượng cao.
Phe bảo thủ thì cho rằng chính phủ mới của ông Moon Jae In đã thu hẹp các hoạt động gián điệp trong khi theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai miền. Họ cho rằng các mạng lưới như vậy là rất khó để xây dựng lại.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định rằng họ không phát hiện ra hoạt động bất thường nào ở Triều Tiên hoặc bất kỳ sự chuẩn bị khẩn cấp nào của đảng Lao động, quân đội hay nội các nước này.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết họ tin rằng ông Kim đang xử lý các vấn đề nhà nước bình thường tại một địa điểm bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 nói với các phóng viên rằng ông "biết khá rõ" về sức khoẻ của nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng ông không thể nói về điều đó lúc này và chúc ông Kim sức khoẻ.
Tình hình sức khoẻ của ông Kim luôn là thông tin được bảo vệ chặt chẽ, nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng nhà vệ sinh riêng khi công du nước ngoài. Ảnh: KCNA. |
Một số chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cũng như các nước láng giềng trong khu vực và đồng minh Washington cần phải lên kế hoạch ứng phó với sự bất ổn cao độ có thể xảy ra.
Những người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn ngập Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, trong khi vũ khí hạt nhân mà nước này sở hữu có thể rơi vào tay những người có ý đồ xấu.
Chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là rất quan trọng bởi vì không ai biết chắc điều gì đang xảy ra, ông Nam Sung Wook, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Seoul, người gọi tình huống này là "gót chân Achilles của chính trị Đông Bắc Á".
Thất bại của tình báo Hàn Quốc
Ông Kim thừa cân, hút thuốc lá nhiều và được cho là có các vấn đề sức khoẻ khác. Ông đã không xuất hiện kể từ ngày 11/4 và cũng bỏ lỡ ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước vào 15/4.
Hôm 27/4, tờ Rodong Sunmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho biết ông Kim đã gửi thông điệp cảm ơn các công nhân xây dựng các cơ sở du lịch ở thị trấn ven biển Wonsan, được cho là nơi ở hiện tại của ông. Tuy nhiên không có hình ảnh nào về ông được công bố.
Seoul gợi ý rằng ông Kim có thể gặp vấn đề sức khoẻ nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng gốc rễ của việc không có một tuyên bố chắc chắn nào đến từ năng lực yếu kém của tình báo Hàn Quốc.
"Thậm chí sau hàng thập kỷ, Hàn Quốc vẫn chưa xây dựng được mạng lưới tình báo đáng tin cậy để thu thập thông tin về Triều Tiên. Rõ ràng là chính phủ của chúng ta có một mức độ thông tin nhất định về miền Bắc, nhưng không đủ để đưa ra tuyên bố chắc chắn về việc ông Kim đang ở đâu hoặc có hoàn toàn khoẻ mạnh hay không", ông Du Hyeogn Cha, cựu thư ký tình báo Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak, nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 nói rằng "Không ai biết ông Kim đang ở đâu". Ảnh: Bloomberg. |
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã cho biết họ không thể khẳng định liệu ông Kim có phẫu thuật hay không.
Một vấn đề khác là trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã không thể nắm bắt được vị trí và sức khoẻ của các lãnh đạo cấp cao Triều Tiên, theo ông Cheon Seong Whun, cựu cố vấn chính sách an ninh trong chính phủ bảo thủ trước đây của Hàn Quốc.
"Bất cứ ai tuyên bố họ biết chắc chắn về điều gì đó đều chỉ là tiểu thuyết gia", ông Cheon cho biết.