Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND Hà Nội dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, quy định cán bộ, công chức khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương có nhiều ý kiến phản hồi.
Sáng 5/10, trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), cho biết cán bộ, công chức Hà Nội vẫn còn bộc lộ những bất cập trong kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin từ đó dẫn đến những vụ việc không đáng có xảy ra thời gian vừa qua.
Theo ông Nam, một số người chuyên môn rất tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin còn chưa hoàn thiện, có lúc đã khiến người dân bức xúc.
"Quy định này mang tính chất khuyến cáo cán bộ, công chức thành phố hạn chế nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Từ đó, cán bộ công chức khi trao đổi công việc không làm người khác hiểu lầm hoặc khó hiểu", ông Ngô Văn Nam cho hay.
Cũng theo vị này, quy định hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương được hiểu là ngôn ngữ công vụ. Ông Nam nói: “Đây chỉ là quy định mang tính khuyến cáo, nên trong tuyển dụng cán bộ, công chức không áp dụng để hạn chế cơ hội của các thí sinh”.
Hà Nội khuyến cáo cán bộ công chức hạn chế nói ngọng, nói lắp. Ảnh: Danh Lam/Hanoimoi. |
Ngoài ra, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình nhấn mạnh cán bộ công chức phải hết sức kiềm chế, phát ngôn phải điềm đạm khi làm việc, kể cả khi người dân đến cơ quan bức xúc với mình. Vì vậy, quy định này là văn bản pháp lý để lãnh đạo các cơ quan ở Hà Nội chấn chỉnh nhắc nhở cán bộ, công chức vi phạm.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết sẽ lấy ý kiến người dân, cán bộ, công chức về dự thảo. "Trong thời gian này chúng tôi sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến đóng góp để bộ quy tắc được hoàn thiện hơn, tạo nên hình ảnh người cán bộ gần gũi trước người dân", ông Động thông tin.
Bày tỏ sự đồng tình, TS Nguyễn Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), phân tích quy tắc này góp phần chấn chỉnh và xây dựng lối sống của cán bộ, công nhân, viên chức. Những người thuộc phạm vi của quy chuẩn phải có sự điều chỉnh, tập luyện lại để tránh việc nói ngọng, nói lắp của mình.
"Những người bị khiếm khuyết trong việc giao tiếp nếu được tuyển dụng thì đảm nhiệm những vị trí công việc ít tiếp xúc với nhân dân. Việc nói ngọng, nói lắp đôi khi khiến người ta hiểu sai và có thể dẫn đến những áp lực về mặt tâm lý với cả người nói và người nghe", TS Hồng khẳng định.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng về mặt lý thuyết, quy định này đúng nhưng hơi nhạy cảm.
"Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, không thể yêu cầu cán bộ có quê ở các tỉnh miền Trung không nói giọng địa phương, hoặc cán bộ quê gốc Bắc Ninh, Hưng Yên phải nói chuẩn chữ "l cao" và "l thấp"… Các huyện ngoại thành Hà Nội cũng có cả một vùng nói ngọng", ông Trịnh Hòa Bình nói và cho rằng quy định này khó khả thi.