Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Hẩm hiu đời cầu thủ dự bị

Họ như những kép hát phụ, mỏi mòn chờ đợi đến lượt ra sân khấu với chỉ một lời thoại duy nhất hoặc thậm chí không được nói câu nào...

Hẩm hiu đời cầu thủ dự bị

Họ như những kép hát phụ, mỏi mòn chờ đợi đến lượt ra sân khấu với chỉ một lời thoại duy nhất hoặc thậm chí không được nói câu nào...

Tiến Phong giúp Santos mang găng vào trận, còn mình trở lại với băng ghế dự bị

Nếu ví bóng đá là sân khấu với ánh đèn lung linh soi rọi những anh kép chánh (cầu thủ trụ cột, ngôi sao) thì cầu thủ dự bị chẳng khác gì kép phụ.

Rồi khi màn nhung buông xuống, khán giả cũng chỉ nhắc tới những kép chánh chứ đời nào để tâm đến danh tánh kẻ đóng vai quân hầu, lính gác - những người làm nền để kép chánh tỏa sáng trên sân khấu. Với bóng đá cũng vậy, phía sau vầng hào quang chiến thắng là lời tán dương dành tặng cầu thủ ghi bàn, người chuyền bóng dọn cỗ hoặc tài lèo lái của HLV. Cuộc đời những cầu thủ gắn chặt đời mình trên băng ghế dự bị thật nhiều nỗi niềm...

Vẫn mãi là “kép phụ”...

Nửa cuối những thập niên 1970 và đầu 1980, Lưu Kim Hoàng là cái tên không thể thay thế giữa hai trụ thành của Cảng Sài Gòn. Tính ổn định và khả năng phản xạ nhạy bén của ông Hoàng khiến các đồng nghiệp Lý Văn Thành (thủ môn Hải Quân Công Xưởng trước 1975), Trần Văn Tây (con của cựu thủ môn lừng danh Trần Văn Đực - tức Đực 2 của Quân Cụ và tuyển miền Nam VN trước 1975) chẳng có mấy cơ hội ra sân, kể cả các trận đấu giao hữu. Ngoại trừ các nhà báo thể thao và đồng nghiệp, ít ai biết Lý Văn Thành từng là thành viên kỳ cựu của đội bóng lừng danh Cảng Sài Gòn.

Hay như bây giờ, do bị lấn át bởi cái bóng quá lớn của Trần Minh Quang rồi Tô Vĩnh Lợi, thủ môn Nguyễn Văn Phúc (cao 1,80m, sinh năm 1983) vốn được đào tạo bài bản, phản xạ nhạy bén, nhưng ít khi để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ Bình Định vì có quá ít lần trình diện trước bàn dân thiên hạ.

Tưởng chừng sự nghiệp của thủ môn Nguyễn Tiến Phong (Đồng Tâm Long An - ĐTLA) đã bước sang một chương mới, xán lạn hơn khi đàn anh Phan Thanh Toàn quyết định treo găng năm 2001. Nhưng niềm vui chưa đến thì gã hộ pháp đến từ Brazil Fabio Dos Santos xuất hiện. Với chiều cao 1,98m, chuyên môn tốt cộng với thứ “vũ khí” lợi hại là phát bóng xa chính xác và tài sút phạt trực tiếp, đương nhiên Santos đã tước đi niềm mơ ước ngay trên tay Tiến Phong.

Tiến Phong lặng lẽ tiếp tục gắn đời mình với vai dự bị. Bấm đốt ngón tay, Tiến Phong thống kê: “Kể từ năm 2003 tới hết mùa bóng 2008, tôi được ra sân không quá chục lần. V-League 2006 là năm tôi được bắt chính nhiều nhất nhưng cũng chỉ năm trận nhờ... Santos bị chấn thương và thẻ phạt”.

Thủ môn luôn là người đóng vai trò chốt chặn cuối cùng quan trọng số 1 giữa hai trụ thành, là 50% sức mạnh của một đội bóng. Do vậy các HLV ít khi mạo hiểm trong việc thay thế để giữ vững tính ổn định. Càng ra sân nhiều, thủ môn càng tạo được niềm tin cho đồng đội. Kép phụ chỉ được trao vai chính khi nào đồng nghiệp số 1 bị chấn thương hay thẻ phạt mà thôi. Đó là sự thật phũ phàng của bóng đá chuyên nghiệp.

Thế nhưng chưa bao giờ đồng đội, người thân nghe từ miệng Tiến Phong hai chữ chán nản. Anh tâm sự: “Tôi buồn vì hai chữ ''dự bị'' cứ đeo đẳng từ khi khởi đầu sự nghiệp nhưng không hề đố kỵ với Santos. Trái lại, hai chúng tôi luôn được xếp ở cùng phòng từ ngày Santos đến VN. Tôi ''lớn lên'' rất nhiều về chuyên môn nhờ sự chỉ bảo tận tình của Santos, kể cả vốn tiếng Anh. Đổi lại, tôi là thầy dạy tiếng Việt rồi thường xuyên đưa anh ấy về nhà riêng vào ngày lễ Tết hoặc lúc đội không thi đấu. Thôi thì ''mất'' cái này ''được'' cái khác vậy. Điều quan trọng là đội phải có được kết quả tốt nhất”.

Cũng là “kép phụ” nhưng trường hợp của tiền vệ trung tâm Nguyễn Xuân Hoàng (Cần Thơ) lại khác. Tài năng Xuân Hoàng không kém nhưng anh lại luôn lận đận trên ghế dự bị. Xuân Hoàng học văn hóa khá giỏi nhưng vì đam mê những vòng lăn ma thuật của quả bóng tròn mà anh gác chuyện đèn sách để ghi danh thi vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP HCM. Tốt nghiệp khóa 10 của trường năm 2002, anh được chuyển về đội Bưu Điện chơi ở giải hạng nhất.

Mùa bóng đầu tiên Xuân Hoàng phải ngồi dự bị. Đương nhiên bởi anh còn quá trẻ (20 tuổi) và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, hai mùa bóng kế tiếp Xuân Hoàng đã gây được ấn tượng và trở thành trụ cột của đội bóng này. Tưởng sự nghiệp của Xuân Hoàng sẽ từng bước tươi sáng thì “bỗng nhiên sét đánh ngang tai” khi đội Bưu Điện giải thể năm 2005.

Sự nghiệp Xuân Hoàng rẽ sang một bước ngoặt quan trọng khi anh trở thành một trong những cầu thủ đầu tiên được HLV Henrique Calisto gọi về ĐTLA. Bạn bè mừng thầm cho Xuân Hoàng tìm được bến đỗ mới, nhưng Xuân Hoàng hiểu rằng thật khó để anh có thể cạnh tranh một suất đá chính tiền vệ trung tâm của CLB mới, nơi mà hai tuyển thủ quốc gia Tài Em và Minh Phương đang trấn giữ.

Cũng năm đó Xuân Hoàng đã có được danh hiệu vô địch V-League mà bất cứ cầu thủ VN nào cũng khao khát cùng ĐTLA, nhưng anh chỉ 3 - 4 lần được ra sân từ ghế dự bị. Hai mùa bóng tiếp theo cũng dài đăng đẳng khi anh tiếp tục mài đũng quần trên ghế dự bị hay bó gối trên khán đài. Xuân Hoàng chua chát: “Dĩ nhiên tôi muốn có nhiều chức vô địch, nhưng không phải bằng cách này. Đam mê của tôi là được đá bóng”.

Để thỏa ước mơ, “trốn chạy” nghiệp dự bị, Xuân Hoàng chấp nhận chuyển đến chơi cho Cần Thơ ở giải hạng nhất theo hợp đồng cho mượn hồi đầu năm 2009. Nhưng lận đận vẫn tiếp tục đeo đuổi chàng tiền vệ điển trai này. Chỉ sau vài trận đá chính cho Cần Thơ ở giải giao hữu Cúp Hoàng đế Quang Trung, Xuân Hoàng bị chấn thương dây chằng đầu gối phải. Tuy đã được phẫu thuật hồi tháng 2 nhưng bác sĩ chẩn đoán anh sẽ phải nghỉ thi đấu đến hết mùa. Và Xuân Hoàng đúc kết: “Cái số mình chắc chỉ được đá dự bị”.

Giấc mơ ra sân đá chính của tiền vệ Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục dang dở sau chấn thương đầu gối đầu năm 2009

Những diễn viên không vai

Một hình ảnh quen thuộc trên sân vận động Đồng Nai mỗi khi có đội chủ nhà thi đấu là một chàng trai ngồi im lặng trên khán đài B chăm chú theo dõi diễn biến dưới sân với đôi mắt buồn, thoáng chút nhăn lại mỗi khi các cầu thủ chủ nhà xử lý bóng không tốt. Đó là thủ quân đội tuyển U-20 VN từng bước lên ngôi cao nhất Đông Nam Á năm 2007 - tiền vệ tấn công Nguyễn Đức Nhân.

Có lẽ không mấy cầu thủ trẻ VN có được bảng thành tích ấn tượng như Đức Nhân. Bộ sưu tập chức vô địch của anh đã có gần như trọn vẹn những giải đấu trẻ của bóng đá VN như vô địch U-13, U-15, U-19 toàn quốc cùng đội trẻ Đồng Nai và đăng quang tại giải U-21 báo Thanh Niên 2007 khi được cho An Giang mượn. Cũng trong năm đó, Đức Nhân được HLV Nguyễn Mạnh Cường tin tưởng giao chiếc băng đội trưởng và đã góp công lớn giúp đội tuyển U-20 VN đoạt chức vô địch Đông Nam Á.

Những tưởng thành tích ấn tượng đó sẽ chắp cánh cho một sự nghiệp đầy hứa hẹn của Đức Nhân, nhưng đời không như là mơ... Tháng 12/2007 là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Đức Nhân khi anh được HLV Bùi Hữu Thái Sơn triệu tập vào đội Đồng Nai dự giải hạng nhất quốc gia.

Tuy nhiên, do chưa kịp thích nghi với nhịp độ và lối chơi của bóng đá đỉnh cao nên suốt giai đoạn cuối mùa giải 2007 Đức Nhân chỉ bốn lần được xỏ giày ra sân. Mọi chuyện còn bi đát hơn với Đức Nhân từ khi HLV Hồ Thu được mời đến hồi đầu mùa. Dưới triều đại vị tân HLV này, Đức Nhân chỉ mới một lần có mặt trong danh sách dự bị của Đồng Nai ở vòng 2 Cúp quốc gia gặp Khánh Hòa (thua 0-1) nhưng cũng không được ra sân.

Đức Nhân biết mình không được trọng dụng vì không phù hợp với lối chơi mà HLV Hồ Thu vạch ra cho đội bóng. Anh chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ trong khi HLV Hồ Thu lại thích lối đá dài, bổng. Vì vậy, tuy vẫn tập cùng đội nhưng nhiệm vụ chính của Đức Nhân chỉ là xách nước và lo chuyện hậu trường cho anh em thi đấu. Cứ như vậy, mỗi khi tiếng còi khai cuộc sắp vang lên thì Đức Nhân lại lặng lẽ... lên khán đài nhìn xuống.

20 tuổi với biết bao khát khao được cống hiến, nhưng Đức Nhân tâm sự thật buồn: “Trước mỗi trận đấu, tôi luôn hồi hộp chờ đợi xem danh sách thi đấu mà HLV Hồ Thu đưa ra nhưng mãi không thấy tên mình dù là dự bị”.

Nhìn sang bạn bè cùng lứa vô địch Đông Nam Á như Danh Ngọc, Ngọc Anh (Nam Định), Đình Hiệp (Khánh Hòa)... đang thỏa sức tung hoành tại V-League, Đức Nhân không khỏi nghẹn lời. Tuy nhiên, đã chọn cho mình nghiệp đá bóng, Đức Nhân không bao giờ cho phép mình chán nản, bởi chàng trai trẻ này ý thức được đời cầu thủ rất ngắn nên luôn lao vào tập luyện để chờ cơ hội thể hiện mình.

Đời cầu thủ dự bị đôi khi thật bạc bẽo. Nhưng trong sự bất hạnh ấy, người ta lại thấy tình yêu bóng đá vô bờ bến của những “kép phụ” sân cỏ...

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm