Chiều 28/7, chúng tôi trở lại công trường thi công hầm đường bộ đèo Cả (quốc lộ 1, thuộc địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Tại khu vực sắp mở cửa hầm phía bắc (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), hàng chục công nhân thuộc liên danh Công ty CP công trình ngầm Vinavico, Công ty Tranimexco, Công ty xây dựng Quản Trung khẩn trương thi công, dù gặp một số khó khăn do địa chất phức tạp và thiết kế thay đổi do vừa thiết kế vừa thi công.
Kỹ sư Lê Bình Minh, chỉ huy trưởng công trường, cho biết lực lượng thi công làm việc hai ca/ngày đêm để thi công năm mái cơ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/8 để triển khai các hạng mục tiếp theo.
Có không khí thi công khẩn trương như hôm nay là nhờ sự tháo gỡ đặc biệt của Thủ tướng trong chỉ đạo về nguồn vốn cho dự án, giải quyết được sự bế tắc trầm trọng của chủ đầu tư về nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng ở giai đoạn sau khi khởi công dự án. Công trình hầm đường bộ đèo Cả là dự án trọng điểm nhà nước của Bộ GTVT, do Công ty CP đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Công ty CP đầu tư Đèo Cả được thành lập bằng sự góp vốn của các cổ đông gồm Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty CP đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty CP Á Châu. Để có vốn thực hiện dự án, tháng 11/2011 chủ đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ tài trợ vốn cho dự án trị giá gần 800 triệu USD từ hai ngân hàng của Pháp là Credit Agricole Corporate & Investment Bank (CA-CIB) và Société Générale.
Các đơn vị thi công phần mái ở cửa phía bắc đường hầm chính qua đèo Cả. |
Tuy nhiên, thủ tục để vay vốn ngân hàng nước ngoài rất phức tạp và rất nhiều tháng sau khi dự án được khởi công, chủ đầu tư vẫn không có tiền để triển khai dự án! Bên cạnh đó, theo nhận xét của Bộ Giao thông vận tải, một số cổ đông thuộc nhà đầu tư hầm đèo Cả có năng lực tài chính khá hạn chế như Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty CP Á Châu.
Do vậy, năm 2013 các đơn vị này đã được thay thế bởi Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Vietinbank với chủ sở hữu là Ngân hàng TMCP Công thương VN. Tính đến tháng 9/2013, tổng số vốn cam kết góp từ các cổ đông nhà đầu tư mới đạt 1.078 tỷ đồng, vốn thực góp chỉ 454 tỷ đồng.
Tại cuộc họp thúc đẩy tiến độ dự án vào tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá dự án chậm 13 tháng so với hợp đồng đã ký kết, ông yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ để hầm đường bộ đèo Cả hoàn thành vào quý 2/2016, nhằm đưa vào khai thác đồng bộ với dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1.
Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước để thực hiện dự án hầm đường bộ đèo Cả, đồng thời lựa chọn nhà thầu trong nước thi công dự án để đẩy nhanh tiến độ và được Thủ tướng chấp thuận.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài 13,4 km, trong đó hầm đèo Cổ Mã dài 500 m, hầm chính Đèo Cả dài 3.900m. Từ nay đến cuối năm 2014, chủ đầu tư phấn đấu sẽ thông phần đường dẫn đến cửa hầm. Bên cạnh đó, các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến, đồng thời thông hầm Cổ Mã và hoàn thành 100m đầu tiên của hầm chính.
Từ tháo gỡ trên, dự án hầm đường bộ qua đèo Cả mới có “lối ra”. Chủ đầu tư đã ký kết với Vietinbank khoản vay 5.400 tỷ đồng để thực hiện dự án BOT hầm chính đèo Cả (chiếm 83,43% tổng dự toán đã được điều chỉnh đối với dự án BOT này).
Tuy vậy, chủ đầu tư không phải không lo lắng. Ông Hồ Minh Hoàng - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả - cho biết về nguyên tắc ngân hàng giải ngân theo tỷ lệ 80-20, nghĩa là chủ đầu tư góp 20% vốn thì ngân hàng sẽ cho vay 80% vốn, nếu nhà đầu tư không góp đủ vốn theo cam kết thì ngân hàng không giải ngân. Hiện vốn chủ sở hữu của các chủ đầu tư dự án là 1.078 tỷ đồng, nhưng vốn góp mới được 600 tỷ đồng, khả năng phải đến cuối năm 2014 mới hoàn thành được việc góp vốn này.