Hàm Anh tên thật là Phan Thanh Thủy. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từng là sinh viên Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp; những năm 1990, Phan Thanh Thủy sang Nga theo học khoa Dịch thuật Văn học - Trường Viết văn M. Gorki. Giờ đây tuy đã chuyển sang làm việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng văn chương và đặc biệt là thơ vẫn theo đuổi chị như một niềm đam mê, nếu không muốn nói là một cái nghiệp.
Nhà thơ Hàm Anh. |
Năm 2012, Hàm Anh cho ra mắt tập thơ song ngữ đầu tiên với tựa Màu tự nhiên. Tất cả những bài thơ trong tập này đều được dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ sang tiếng Anh. Sau gần 4 năm ra mắt Màu tự nhiên, Hàm Anh cùng dịch giả Trịnh Lữ lại tiếp tục cho ra đời tập thơ song ngữ thứ hai với cái tên rất dịu dàng Gọi tháng Ba.
Trong không khí se lạnh của thời tiết lúc giao mùa, đã có rất nhiều bạn bè, người thân đến chia vui cùng nhà thơ Hàm Anh trong buổi ra mắt sách như: nhà thơ Bằng Việt, nhà phê bình Phạm Vĩnh Cư, PGS-TS Ngô Văn Giá, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Hàn Thủy Giang, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh…
Gọi tháng Ba là tuyển tập 48 bài thơ, hay chính là 48 tâm sự nhỏ trong trẻo và bình yên của Hàm Anh. Khi được về lý do vì sao lại đặt nhan đề cho tập thơ là Gọi tháng Ba, nữ nhà thơ chia sẻ rằng: “Tháng ba trong tôi, dù ở bất cứ nơi nào, Hà Nội, Nga, hay thủ đô New Dehli của Ấn Độ thì nó đều là một khoảnh khắc rất đặc biệt. Đó là thời điểm giao mùa, nắng ấm đó, nhưng lại bất chợt có mưa rét. Tháng ba cho tôi nhiều cảm xúc về sự đa dạng và thay đổi không ngừng của cuộc sống”.
Tập thơ song ngữ Việt-Anh Gọi tháng Ba |
Với tư cách là một người đọc, nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: “Thơ Hàm Anh có gì đó rất nữ tính, trong trẻo, dịu dàng và đáng yêu. Trong đó còn ẩn chứa chất cổ điển và rất nhiều xao động nội tâm. Bài thơ nào cũng có hương vị và màu sắc riêng, điều đó tạo nên bản lĩnh của Hàm Anh”.
PGS- TS Ngô Văn Giá cũng nói lên những cảm nhận của mình khi đọc thơ của Hàm Anh: “Phải đối mặt với nhiều lo toan, xô bồ của cuộc sống, nhưng thơ Hàm Anh vẫn có cái tĩnh lặng và đặc biệt là chất Thiền. Nó giúp người đọc thanh lọc tâm hồn và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống.
Trong thời điểm mà thơ dường như đang bị “lép vế” trước những thể loại văn học khác, nữ nhà thơ cũng đã có những chia sẻ rất chân thành về sự ra đời của Gọi tháng Ba. Đây là một tập thơ mà Hàm Anh đã phải lo lắng từ đầu đến cuối trong quá trình xuất bản. Từ việc tìm kiếm NXB, xuống nhà in theo dõi quá trình in ấn, cho đến việc đem từng tập thơ đi giới thiệu với các cửa hàng sách. Tuy vất vả, nhưng Hàm Anh dường như không thấy mệt mỏi, bởi như chị tâm sự: “Tôi tìm tới với thơ để thấy mình hạnh phúc”.