Halloween sắp đến ở Anh và cùng với đó là câu nói quen thuộc "cho kẹo hoặc bị ghẹo". Nhưng đối với Thủ tướng Liz Truss, Halloween năm nay có lẽ sẽ không có kẹo ngọt.
Trao đổi với Zing về tương lai của bà Truss cũng như những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng hiện nay đến nền chính trị Anh, tiến sĩ Craig Prescott - giảng viên và chuyên gia về luật hiến pháp và chính trị Anh của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, tin rằng ngày 31/10 có thể là mốc thời gian xa nhất mà thủ tướng có thể bám trụ.
“Việc bà Truss phải rời ghế thủ tướng chỉ là vấn đề thời gian. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bà ấy có thể ‘sống sót’ đến tháng 11. Vị thế của đảng Bảo thủ đã bị tổn hại đến mức khó có thể phục hồi”, tiến sĩ Craig Prescott nói.
“Không thể trụ đến tháng 11”
Theo ông Prescott, về cơ bản, một người sẽ giữ chức thủ tướng dựa trên cơ sở họ được hạ viện tín nhiệm. Điều này thường có nghĩa là nhà lãnh đạo của đảng có đa số ghế trong hạ viện nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ cùng đảng. Nếu những nghị sĩ đó không còn tin tưởng vào người lãnh đạo, thì trên thực tế, thủ tướng không thể tiếp tục tại vị.
Ông dẫn chứng trong thời gian gần đây, cả bà Theresa May và ông Boris Johnson đều từ chức khi mức bất tín nhiệm đối với họ trở nên rõ ràng (và cả bà Margaret Thatcher vào năm 1990). “Do đó, khi mức độ ủng hộ của các nghị sĩ đảng Bảo thủ giảm thấy rõ, bà Truss nên thực sự phải từ chức”.
Tiến sĩ Craig Prescott - giảng viên và chuyên gia về luật hiến pháp và chính trị Anh của Trường Luật thuộc Đại học Bangor. Ảnh: Đại học Bangor. |
Tuy nhiên, nếu thủ tướng vẫn cố bám trụ, Ủy ban năm 1922 - chịu trách nhiệm về điều lệ của đảng Bảo thủ - có thể tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Truss. “Đến thời điểm này, bà ấy được cho là sẽ thua trong cuộc bỏ phiếu đó”, ông Prescott nói.
Theo quy định hiện hành, một nhà lãnh đạo mới như bà Truss không thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm cho đến một năm sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, Ủy ban năm 1922 vẫn có thể thay đổi quy tắc trong nội bộ đảng để tổ chức bỏ phiếu nếu số lượng thư kêu gọi bỏ phiếu vượt quá ngưỡng 15%, tương đương 54 nhà lập pháp.
Cho đến nay, bà Truss đã cố gắng kéo dài thời gian bằng cách bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm Bộ trưởng Tài chính.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly, một đồng minh thân cận của thủ tướng, đã cố đổ lỗi cuộc khủng hoảng tại Anh hiện tại cho điều kiện kinh tế toàn cầu khiến lãi suất và lạm phát gia tăng, bất chấp ông Hunt thừa nhận tác động của mini-budget - gói ngân sách ngắn hạn trị giá 45 tỷ bảng Anh bao gồm một số chính sách như cắt giảm thuế sâu lên tới 45% được công bố hồi cuối tháng 9, theo Guardian.
Kể từ khi được bổ nhiệm hôm 14/10, ông đã đảo ngược hầu hết chính sách trong gói mini-budget và điều này đã khôi phục niềm tin của thị trường, ít nhất là cho đến hiện tại.
“Điều này có nghĩa là ông Hunt thực sự đang là nhân vật quan trọng nhất trong chính phủ, và câu hỏi đặt ra là liệu bà Truss có còn đủ đáng tin cậy đủ để ở lại hay không”, ông Prescott nói.
Dẫu vậy, Anh vẫn tiếp tục ghi nhận các chỉ số kinh tế theo chiều hướng xấu. Ngay trước khi bà Truss đối mặt với Hạ viện trong phiên chất vấn thủ tướng ngày 19/10, tiến sĩ Prescott đã dự đoán bà Truss sẽ phải nhận về “kết quả không như ý, có thể dẫn đến việc các nghị sĩ đảng Bảo thủ quyết định bà nên bị phế truất”.
Ngay trước thềm buổi chất vấn, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 10,1% tính theo năm đến tháng 9, tăng từ 9,9% hồi tháng 8, Reuters đưa tin. Con số này đưa lạm phát tại Anh trở lại mức kỷ lục trong 40 năm được ghi nhận hồi tháng 7. Người dân đang phải chịu giá lương thực tăng mạnh nhất kể từ năm 1980.
Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của tại công ty tư vấn Capital Economics, nhận định: “Công bố hôm nay nhấn mạnh nguy cơ lạm phát vẫn mạnh ngay cả khi nền kinh tế suy yếu”.
Bà Liz Truss trong phiên chất vấn tại Hạ viện Anh hôm 19/10. Ảnh: Guardian. |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Hunt cũng được cho là vào ngày 31/10 sẽ công bố thêm biện pháp mới đối với mini-budget của bà Truss, gói chính sách tài khóa đã bị ông Hunt đảo ngược phần lớn trong vài ngày nắm quyền. Nếu chính sách không cắt giảm chi tiêu công của bà khi đó cũng bị buộc phải đảo ngược, nhiều nghị sĩ có thể không tìm thấy lý do để ủng hộ bà Truss ở lại.
Tính đến ngày 19/10, đã có 6 nghị sĩ đảng Bảo thủ chính thức công khai kêu gọi bà Truss từ chức, theo Guardian. Mới nhất, nghị sĩ Steve Double ngày 19/10 nói với Time Radio rằng chiếc ghế của bà Truss “ngày càng không vững” và đã đến lúc bà phải “cân nhắc vị trí của mình”.
“Chúng tôi đã thấy sự đảo ngược hoàn toàn về mọi thứ mà bà ủng hộ trong chiến dịch tranh cử… Có thể thấy sự mất niềm tin từ công chúng và cả từ đảng đối với bà”, ông Double nói.
Trước những cảnh báo rõ ràng đó, chuyên gia gần như chắc chắn khi dự đoán về con đường chính trị của bà Truss trong thời gian tới.
“Tôi khá chắc sự nghiệp chính trị của bà Truss sẽ sớm kết thúc. Một khi bị hạ bệ, tôi không thể tưởng tượng được bà ấy sẽ trở lại chính trường như thế nào khi mức tín nhiệm đã chạm đáy”, tiến sĩ Prescott nói.
Đảng Bảo thủ khó phục hồi
Việc có nên thay thế nhà lãnh đạo lần thứ hai trong năm nay hay không đang khiến các nhà lập pháp đảng Bảo thủ đau đầu. Vào tháng 7, đảng này đã buộc phải loại bỏ cựu Thủ tướng Boris Johnson sau một loạt bê bối.
Những hỗn loạn vừa qua đã làm tổn hại tới hình ảnh của đảng Bảo thủ. Hiện tại, về lý thuyết, đảng này vẫn chiếm đa số trong nghị viện và phải còn hai năm nữa thì cuộc bầu cử quốc gia mới diễn ra.
Song, các cuộc thăm dò cho thấy triển vọng u ám của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo. Trong khi đó, Công đảng đang được dự đoán sẽ giành lợi thế áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử, theo AP.
Khảo sát mới đây của hãng thăm dò Opium cho thấy nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, Công đảng sẽ giành thắng lợi áp đảo với 411/650 ghế trong nghị viên. Trong khi đó, đảng Bảo thủ sẽ mất 219 ghế và chỉ còn 137 ghế, đảng Dân chủ Tự do có 39 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 37 ghế.
Các nghị sĩ đặt câu hỏi cho bà Truss trong phiên chất vấn thủ tướng tại Hạ viện Anh. Ảnh: Guardian. |
“Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ ủng hộ đối với Công đảng đang dẫn đầu ở mức 30%, hoặc hơn. Đó là một con số khó tin. Nếu đó là những gì xảy ra tại cuộc bầu cử tiếp theo, đảng Bảo thủ có thể mất quyền lực cho đến năm 2035 hoặc thậm chí đến năm 2040”, tiến sĩ Prescott chia sẻ với Zing.
Ông Prescott nhận định dù bà Truss từ chức, những vấn đề bà để lại là rất lớn và khó có thể biết được đảng Bảo thủ sẽ khôi phục vị thế ban đầu bằng cách nào trong thời gian tới. “Bà Truss tại vị càng lâu thì thiệt hại có thể sẽ còn lớn hơn”, ông nói.
Trong khi đó, đồng minh trong nội các của bà Truss tối 15/10 cảnh báo các nghị sĩ rằng họ sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu, và rằng đảng Bảo thủ sẽ “hết cửa” nếu họ lật đổ nhà lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.
"Nếu chúng ta thay đổi lãnh đạo một lần nữa, đảng này coi như xong. Khi cả Philip Hammond (cựu Bộ trưởng Tài chính Anh) và Nadine Dorries (Bộ trưởng Văn hóa Anh) nói về việc thay nhà lãnh đạo lần nữa thì sẽ phải có một cuộc tổng tuyển cử, đó không phải hù dọa”, một bộ trưởng trong nội các của bà Truss nói.
Trong khi đó, nghị sĩ Junior Andrew Griffith lập luận hôm 16/10 rằng nên cho bà Truss một cơ hội để cố gắng lập lại trật tự.
“Đây là thời điểm mà chúng ta cần sự ổn định”, ông nói. "Người dân đang bối rối trước những biến động ở mức độ như vậy. Những gì họ muốn thấy là một chính phủ có năng lực, đủ sức làm công việc của mình".
Ứng viên thủ tướng tiềm năng
Một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ tin bà Truss có thể bị buộc phải từ chức nếu đảng có thể thống nhất được về người kế nhiệm. Việc thay đổi một thủ tướng mới trong thời điểm nước Anh đang đối mặt hàng loạt khó khăn có thể khiến cho nước này gặp nhiều thử thách hơn. Dù vậy, hầu hết chuyên gia nhận định bà Truss nên rời đi.
“Theo quan điểm của tôi, chúng tôi hiện có một thủ tướng trên danh nghĩa, còn trên thực tế thì ông Hunt đang lãnh đạo chính phủ. Tình hình hiện tại là không thể giải quyết được, và bà Truss rời đi càng sớm càng tốt”, ông Prescott cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cập nhật tình hình kinh tế Anh tại hạ viện hôm 17/10. Ảnh: Reuters. |
Khi được hỏi về những ứng viên tiềm năng kế nhiệm một khi bà Liz Truss từ chức, ông Prescott đã nêu tên của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt và cho rằng đây sẽ là một ứng cử viên tiềm năng nhất nếu xét những gì ông ấy đã thể hiện kể từ khi nhậm chức hôm 14/10.
Một ứng viên khác là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, đối thủ của bà Liz, người từng phản đối những chính sách kinh tế của bà trong cuộc đua vào ghế thủ tướng trong những tháng qua.
Bên cạnh đó, một ứng viên nổi bật khác có thể kể đến là bà Penny Mordaunt - người từng thua bà Truss trong cuộc đua vào ghế thủ tướng trong những tháng qua, theo ông Prescott.
“Tôi nghe nói một số nghị sĩ đang xem xét khả năng liệu bà Theresa May có thể trở lại hay không. Bất chấp những vấn đề mà bà ấy gặp phải về Brexit, Theresa May vẫn nhận được sự tôn trọng. Bà cũng được cho là có thể đoàn kết đảng trong hai năm tới, trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra”, ông Prescott nhận định.