Vậy mà tiền đạo nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang nương nhờ xứ cờ hoa. Anh không thể trở về quê nhà, nơi bản thân đối diện với án tử vì tội phản động. Câu chuyện của cựu tiền đạo Inter Milan như trò đùa số phận, với những giọt nước mắt đau buồn đan xen tiếng cười hạnh phúc.
Có một tấm hình rất nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, chụp lại hôn lễ của một trong những ngôi sao vĩ đại nhất bóng đá nước này. Đó là nhà vô địch cúp UEFA, người đưa đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tới bán kết World Cup, đứng cạnh Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Giáo sĩ Fethullah Gulen.
Đã có những màu hồng trong cuộc sống Hakan Sukur, nhưng lại niềm vui lại quá ngắn ngủi.
Hakan Sukur đang có cuộc sống giàu có tại Mỹ. |
Cô dâu trong bức ảnh cưới ra đi vĩnh viễn. Cha của Sukur chết mòn trong sự cô đơn với bốn bức tường giam hãm và căn bệnh ung thư. Riêng cựu trung phong tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, có 112 lần khoác áo ĐTQG, bị đày ải khỏi quê nhà.
Sukur lúc này đang tận hưởng cuộc sống vương giả tại Mỹ, nhưng từ Thổ Nhĩ Kỳ, một bản án tử lại đang chực chờ. Anh đã mất tất cả tại quê nhà. Từ người cha tội nghiệp, những mối quan hệ thân thiết từng bợ đỡ anh. Quê hương Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn chào đón nữa cây săn bàn này nữa.
Đời cầu thủ có nốt thăng và nốt trầm. Nhưng câu chuyện của Sukur có lẽ không ai cảm nhận được. Khái niệm huyền thoại chưa đủ để dành cho anh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sukur, một huyền thoại với biệt danh "Bò mộng xứ Bosphorus", là bóng đá ở quốc gia này.
Bao nhiêu năm chơi bóng chuyên nghiệp, cựu sao Galatasaray có tất cả danh hiệu. Người Thổ Nhĩ Kỳ yêu Sukur, tôn trọng anh vì những đóng góp to lớn cho bóng đá nước nhà. Thậm chí, những CĐV kình địch với Galatasaray như Fenerbahce và Besiktas cũng yêu tiền đạo nổi tiếng với kỷ lục pha ghi bàn nhanh nhất World Cup.
Giây thứ 10.8, trận tranh hạng ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, tiền đạo số 9 xé lưới đại diện châu Á.
Năm 36 tuổi, Hakan Sukur giải nghệ, bắt đầu tham gia vào công tác bình luận và lấn sân vào con đường chính trị. Anh trở thành nghị sĩ đảng bảo thủ AKP, cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại. Song, trò chơi chính trị không đơn giản như đưa bóng vào lưới. Mọi thứ sau đó xám xịt với Sukur.
Tiền đạo từng chơi cho Inter không có cuộc sống vợ chồng viên mãn. Mối tình đầu kết thúc trong tan vỡ. Người vợ thứ hai Esra thiệt mạng trong vụ động đất năm 1999, lấy đi sinh mạng ít nhất 17.000 người tại Izmit và Istanbul.
Sukur làm đám cưới lần ba sau đó, tiếp tục vai trò bình luận cho kênh TRT quốc gia. Anh am hiểu nhiều thứ, có những phân tích sắc sảo.
Hakan Sukur là huyền thoại bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. |
Khi ấy, Sukur tiếp tục giữ vai trò nghị sĩ theo đảng ủng hộ Tổng thống Erdogan, nhưng vẫn có quan hệ mật thiết với Giáo sĩ Gulen, sau này quyết định đối đầu về chính sách và quan điểm với nhà cầm quyền.
Năm 2013, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng cửa nhiều trường học được vận hành dưới danh nghĩa Giáo sĩ Gule. Thế là cựu trung phong Parma và Blackburn Rovers quyết định rời đảng chính phủ, trở thành nghị sĩ độc lập. Ngờ đâu, sự nghiệp của anh lụi tàn từ đó.
Hàng loạt những rắc rối bủa vây Sukur. Một lần, cựu tiền đạo này đứng trước trường Đại học và dõng dạc tuyên bố: "Tôi là người Albania, không phải Thổ Nhĩ Kỳ". Câu nói ấy khởi đầu cho nhiều phiền hà xảy đến.
Năm 2016, cựu tiền đạo nổi tiếng đối mặt hình phạt 4 năm tù vì bị buộc tội xúc phạm Tổng thống Erdogan trên Twitter. Tháng 6 cùng năm, những vụ bạo động xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, làm 300 người thiệt mạng. Những tháng tiếp theo, 120.000 dân mất việc và 50.000 người bị bắt giữ.
Những ai ủng hộ đảng do Giáo sĩ Gulen cầm đầu bị nghi ngờ đứng sau vụ nổi loạn.
Từ ngôi sao sân cỏ, Hakan Sukur bị dán mác kẻ phản quốc. |
Tháng 8/2016, điều không tưởng xảy ra: Huyền thoại Hakan Sukur bị phát lệnh truy nã. Các công tố viên ở Sakarya cáo buộc anh đứng trong hàng ngũ nhóm khủng bố.
Giữa tâm bão, tác giả 51 bàn thắng cho ĐTQG có quyền phủ nhận mối liên hệ với Giáo sĩ Gulen, tuy nhiên anh phớt lờ điều đó. Anh đã bí mật trốn sang Mỹ.
Cuối năm ngoái, những phóng viên bắt gặp Sukur tại San Francisco, California. Anh sống trong căn nhà trị giá 3 triệu USD với giá thuê 7.000 USD/tháng, lái ba chiếc siêu xe Lexus, Mercedes và Volkswagen. Anh, một kẻ bị dán mác phản quốc và sống lưu vong trên đất Mỹ đang có cuộc đời hạnh phúc.
Tiền bạc là thứ Hakan Sukur không thiếu. Song, anh có lẽ là trường hợp kỳ lạ của bóng đá thế giới. Từ một chân sút vĩ đại của Thổ Nhĩ Kỳ, "Bò mộng xứ Bosphorus" lại trở thành "kẻ phản quốc" vào những ngày này. Với những ai khi tìm đến quốc gia thuộc châu Âu, họ sẽ nghe thấy những dòng thông tin hai chiều về Sukur.
Anh, huyền thoại bóng đá ngày nào giờ lại xuất hiện trên tấm áp-phích bị truy nã. Hakan Sukur mất Thổ Nhĩ Kỳ mãi mãi.
Trong sự nghiệp, Hakan Sukur từng đá cho Galatasaray, Inter, Parma, Blackburn Rovers... Anh có 112 lần khoác áo tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, ghi được 51 bàn. Tại World Cup 2002, Sukur trở thành cầu thủ ghi bàn nhanh nhất ở giây 10.8