Hai vật thể "lướt qua nhau mà không gặp sự cố", phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ nói với hãng tin AFP.
Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ cho biết hai vệ tinh không hoạt động đã sượt qua nhau vào lúc 18h39 (giờ địa phương), khoảng 990 km trên bầu trời Pittsburgh.
Các chuyên gia phỏng đoán các vật thể có thể lướt qua nhau trong vòng 12 m. Chúng không hoạt động nhưng người ta sợ rằng một vụ va chạm có thể tạo ra những mảnh vỡ sẽ làm hỏng các vật thể khác trên quỹ đạo.
Bản vẽ một trong các vệ tinh suýt xảy ra va chạm. Ảnh: NASA. |
Theo BBC, các vật thể suýt va chạm là một vệ tinh thiên văn hồng ngoại (Irsa) được phóng vào năm 1983 và một thiết bị thử nghiệm khác của Mỹ, vệ tinh GGSE-4, được phóng vào năm 1967.
Vệ tinh GGSE-4 có thiết bị bật mở 18 m, được thiết kế để triển khai ăng ten hoặc cánh buồm Mặt Trời điều hướng nó.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết với kích thước của các vệ tinh - lớn bằng một chiếc ôtô hoặc thùng rác - "khoảng cách dự đoán từ 15 đến 30 mét là đáng báo động".
Các chuyên gia cho biết các mảnh vỡ nếu có sẽ không gây ra mối đe dọa cho thành phố mà chỉ bị đốt cháy trong bầu khí quyển trước khi rơi xuống Trái Đất. Nhưng một đám mây mảnh vỡ vẫn còn trên quỹ đạo có thể đe dọa các vệ tinh khác.
Các mảnh vỡ có thể vẫn còn trên quỹ đạo trong nhiều thập kỷ đến nhiều thế kỷ.
Các hướng dẫn quốc tế nêu rõ rằng các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp phải được loại bỏ khỏi quỹ đạo 25 năm sau khi ngừng hoạt động nhưng các vệ tinh này đã được phóng trước khi quy định thay đổi.
Vụ việc đã làm nóng các cuộc thảo luận về tầm quan trọng của việc làm sạch các mảnh vỡ không gian.
"Các sự kiện như thế này nhấn mạnh sự cần thiết phải quay vòng kịp thời các vệ tinh để đảm bảo tính bền vững cho không gian vũ trụ", LeoLabs, cơ quan chuyên theo dõi rác vũ trụ, cho biết.