Chính phủ Trung Quốc ngày 7/12 cho phóng 7 vệ tinh dân sự vào quỹ đạo Trái Đất, sử dụng bệ phóng cơ động thường dùng cho tên lửa quân sự, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
Vụ phóng đầu tiên diễn ra vào buổi sáng, mang vệ tinh cảm biến từ xa lên quỹ đạo. Tên lửa thứ hai được phóng vào tối cùng ngày, đưa 6 vệ tinh thông tin liên lạc và định vị vào không gian. Các tên lửa được khai hỏa từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc.
Vệt khói ngày 7/12 tương tự như hiện tượng "đuôi rồng" được nhìn thấy trên bầu trời phía bắc Trung Quốc tháng 4/2018. Ảnh: SCMP. |
Tên lửa tạo vệt khói gấp khúc trên bầu trời. Trời quang vào chiều tối 7/12 khiến người dân từ thủ đô Bắc Kinh, cách điểm phóng gần 500 km, vẫn có thể nhìn thấy vệt khói lạ, làm rộ lên những tin đồn đó là “đuôi rồng”, theo South China Morning Post.
Các hình ảnh về “đám mây rồng” được đăng tải và thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc.
Vệt khói chiều tối 7/12 có nhiều nét tương đồng với hiện tượng “mây rồng” được ghi nhận vào tháng 4/2018. Giới quan sát khi đó cho rằng Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh, có khả năng là DF-17.
Tuy nhiên, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (CASIC) đến ngày 8/12 đã xác nhận vệt khói được tạo nên bởi KZ-1A, tên lửa "phản ứng nhanh" chuyên dùng để mang vệ tinh Trung Quốc vào quỹ đạo Trái Đất.
CASIC xác nhận đã phóng hai tên lửa KZ-1A vào ngày 7/12. Ảnh: Weibo. |
Thiết bị phóng hạng nhẹ này sử dụng nhiên liệu rắn. Công nghệ của KZ-1A ban đầu được sử dụng cho hoạt động quân sự nhưng đã được hoán đổi công năng cho lĩnh vực dân sự. KZ-1A được phóng lần đầu tiên vào năm 2017. Đợt phóng vào tối 7/12 đã là lần thứ 5 tên lửa này được phóng thành công trong năm 2019.
Reference News cho biết tên lửa KZ có độ chính xác cao, thời gian chuẩn bị ngắn và chi phí thấp. Với các đặc tính này, tên lửa KZ giúp các cơ quan vũ trụ Trung Quốc phóng vệ tinh thay thế nhanh chóng nếu mạng lưới liên lạc và định vị gặp trục trặc hoặc bị tấn công phá hoại.