Thế tiến công tổng thể của Moscow đã chậm lại vì nhiều yếu tố như thiếu sự phối hợp giữa lực lượng trên không và trên bộ, cũng như việc không quân Nga chưa thể kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine.
Tới nay, quân đội Nga đã nắm giữ Kherson, một thành phố cảng quan trọng ở miền Nam Ukraine. Nhưng họ vẫn chưa thể chiếm được các thành phố lớn khác, bao gồm thủ đô Kyiv, bất chấp những đợt pháo kích và rocket liên tục vào những trung tâm đô thị chiến lược.
Quân đội Nga chậm ở miền Bắc, đạt tiến triển ở miền Đông, Nam
Sau khi dàn hơn 150.000 quân tại biên giới Ukraine, Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2. Giai đoạn đầu, Lầu Năm Góc ước tính khoảng 1/3 quân đội Nga ở biên giới đã tiến vào Ukraine. 2/3 còn lại dần theo sau cho tới khi gần như toàn bộ ở trong Ukraine vào tuần này.
Ở miền Bắc Ukraine, quân đội Nga đánh vào Kyiv từ nhiều điểm. Do gặp phải sự phản kháng quyết liệt, lực lượng Nga không thể hạ gục thủ đô nước láng giềng ngay trong những ngày đầu giao tranh.
Hôm 9/3, Lầu Năm Góc cho biết quân đội Nga áp sát Kyiv đã đạt được rất ít tiến triển trong những ngày qua. “Chúng ta tiếp tục thấy được nỗ lực phản kháng của Ukraine đã làm chậm bước tiến của Nga”, một quan chức Lầu Năm Góc nói.
Diễn biến giao tranh tại Ukraine. Các khu vực do Nga kiểm soát tính tới 3h ngày 8/3. Đồ họa: New York Times. |
Nga cũng gặp tình trạng tương tự tại các thành phố ở miền Bắc như Chernihiv và Kharkiv. Tuy nhiên, có các tín hiệu cho thấy lực lượng Nga đang cố gắng bao vây Kyiv.
Theo Los Angeles Times, ở miền Đông và Nam Ukraine, quân đội Nga đạt được nhiều thành công hơn và đã có thể nắm giữ một số địa phương tại vùng Donbas ở miền Đông.
Bằng năng lực phối hợp các đơn vị trên không, trên biển và mặt đất, lực lượng Nga đang bao vây Mariupol và các thành phố khác tại bờ Biển Đen của Ukraine. Kherson đã thất thủ nhưng lực lượng Nga chưa thể chạm tới Odessa tại miền Nam - cảng biển lớn và quan trọng nhất của Ukraine.
Theo New York Times, quân đội Nga lúc này dường như đang có một mục tiêu mới: Thành phố Dnipro ở miền Trung. Nếu có thể công kích Dnipro cả từ phía bắc và nam, binh sĩ Nga sẽ cô lập lực lượng Ukraine đang trấn giữ vùng Donbas hoặc buộc cánh quân này phải rút lui.
Một mục tiêu của những đợt tiến quân gần đây cũng có vẻ như để hội tụ ba cánh quân: Cánh quân di chuyển theo hướng nam từ Crimea, cánh quân di chuyển theo hướng đông nam từ Kharkiv, và lực lượng ly khai từ vùng Donbas.
Nga tổn thất đáng kể
Tính tới ngày 9/3, Lầu Năm Góc ước tính Nga vẫn còn khoảng 90% sức mạnh tác chiến mà nước này đã triển khai tại Ukraine, sau khi đã xem xét các yếu tố như vũ khí, phương tiện bị phá hủy và binh sĩ bị thương hoặc chết.
Theo AP, con số tổn thất này thoạt nhìn có vẻ khá khiêm tốn nhưng lại rất đáng kể chỉ sau hai tuần giao tranh.
Lực lượng Ukraine phá hủy một xe tăng của Nga tại Mykolaiv vào hôm 6/3. Ảnh: New York Times. |
Về số binh sĩ tử trận cụ thể, hai bên đưa ra dữ liệu chênh lệch. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng khó có thể đánh giá số thương vong.
Hôm 2/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga thông báo hơn 2.870 binh sĩ Ukraine đã tử trận, gần 4.000 bị thương. Ngược lại, thương vong của Nga chỉ là 498 người chết, gần 1.600 bị thương, theo TASS.
Trong khi đó, phía Ukraine khẳng định đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 binh sĩ Nga từ ngày 24/2 tới nay. Ukraine không công bố con số thương vong nhưng thường vinh danh những binh sĩ tử trận.
Hôm 10/3, New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ ước tính rằng Nga mất 5.000-6.000 binh sĩ trong 2 tuần.
Khi Nga tăng cường pháo kích và không kích từ xa vào các thành phố đang bị bao vây, thương vong dân thường cũng ngày càng tăng. Hôm 9/3, Liên Hợp Quốc xác nhận 516 người dân thiệt mạng và 908 bị thương, nhưng đồng thời cũng thừa nhận rằng con số này có thể còn thấp so với thực tế.
Thái độ hai bên thay đổi nhẹ
Sau 2 tuần giao tranh và 3 vòng đàm phán chưa đạt đột phá lớn, thái độ của lãnh đạo Nga và Ukraine có vẻ không còn cứng rắn như lúc đầu.
Ngày 25/2, sau khi phát động “chiến dịch đặc biệt”, Tổng thống Vladimir Putin từng công khai kêu gọi quân đội Ukraine lật đổ chính phủ. Tới ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không có kế hoạch “chiếm đóng, phá hủy tư cách quốc gia hay lật đổ chính phủ Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: New York Times. |
Trả lời phỏng vấn ABC News một ngày trước, ngày 8/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết không còn tha thiết gia nhập NATO vì “NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, tổng thống Ukraine khẳng định hai vùng lãnh thổ ly khai Luhansk và Donetsk "chưa được công nhận bởi bất kỳ quốc gia nào ngoài Nga”, nhưng ông cho rằng "hai bên có thể thảo luận và tìm cách thỏa hiệp về tình trạng của hai khu vực này".
Ông Zelensky có phát biểu như trên khi được hỏi về các yêu cầu mà Điện Kremlin đặt ra để ngừng bắn, bao gồm: Ukraine dừng hoạt động quân sự, sửa hiến pháp theo hướng trung lập, chấp nhận chủ quyền Crimea của Nga và công nhận vùng ly khai ở miền Đông là lãnh thổ độc lập
Tuy nhiên, nếu tiến trình đàm phán không sớm có kết quả, giao tranh có khả năng sẽ kéo dài.
Hôm 8/3, Giám đốc CIA William Burns nhận định ông Putin đang “chán nản” và nhiều khả năng ông sẽ “gia tăng” hành động quân sự tại Ukraine. Theo ông Burns, điều này đồng nghĩa với việc những tuần tiếp theo sẽ rất “xấu xí”.
Nhân viên cứu hộ khẩn cấp đưa một thai phụ rời khỏi một bệnh viện bị pháo kích tại Mariupol. Ảnh: AP. |
Nhiều nhà phân tích nhận định Nga vẫn có khả năng đánh bại quân đội Ukraine.
Philip Breedlove - một tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và là chỉ huy trưởng của NATO tại châu Âu trong năm 2013-2016, cho rằng tuy quân đội Nga hành động chậm hơn nhiều so với ước tính, tới cuối cùng họ vẫn có khả năng kiểm soát được Kyiv.
“Nếu không có gì thay đổi lớn về mặt tác chiến, quân đội Nga vẫn có đủ đà tiến chậm nhưng chắc. Với đà ấy, nếu có thể chịu được tổn thất, tới cuối cùng họ sẽ hoàn thành mục tiêu ấy”, ông Breedlove nói.
Xung đột Ukraine ảnh hưởng toàn thế giới
Liệu xung đột hiện tại có tràn ra khỏi biên giới Ukraine hay không là một lo ngại lớn đối với phương Tây, trong bối cảnh viện trợ quân sự từ Washington và đồng minh vẫn tiếp tục chảy vào Ukraine.
Hôm 8/3, Ba Lan - một nước thuộc NATO và có chung biên giới với Ukraine - đã đề nghị chuyển giao máy bay MiG-29 cho Mỹ để Washington tự quyết định việc liệu có cung cấp máy bay cho Ukraine hay không và nếu có thì bằng cách nào. Lầu Năm Góc nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này.
Một đoạn ống dẫn của dự án Nord Stream 2 tại Chelyabinsk, Nga. Ảnh: Reuters. |
Một ngày sau, Lầu Năm Góc cho biết đã chuyển hai đơn vị phòng không Patriot từ Đức sang Ba Lan để tăng cường phòng ngự trước rủi ro Nga đặt ra với thành viên NATO.
Xung đột hiện tại cũng đã vượt ra khỏi biên giới Ukraine và có tác động tới kinh tế thế giới sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga như đóng cửa không phận, đóng băng tài sản và cấm tham dự các sự kiện thể thao - văn hóa.
Điện Kremlin cáo buộc Mỹ thực hiện “chiến tranh kinh tế” đối với Nga, trong bối cảnh hàng loạt công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường của Nga trước sức ép của nhà đầu tư và người tiêu dùng, cũng như rủi ro từ các lệnh trừng phạt, theo New York Times.
Hôm 9/3, Mỹ tăng cường trừng phạt bằng cách cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào thị trường Mỹ. Một ngày trước, EU cũng công bố kế hoạch cắt bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Anh từ trước đã hạn chế hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Nga.
Giá dầu thế giới lập tức tăng vọt sau tuyên bố của Mỹ và có nguy cơ gây ra cú sốc lạm phát, cũng như có thể làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu hậu Covid-19.