Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai thế giới thanh bần, tiền bạc trong xã hội xưa

Người ta vẫn nói trong mỗi người Việt Nam không chỉ có một ông quan và một thi sĩ, chính xác hơn nữa phải kể thêm một nhà phân tích tài chính thực dụng.

Quay trở lại với bài ca dao đã bàn, người mẹ của cô gái tham đồng tiền Cảnh Hưng, tham những thứ vật chất rõ ràng đo đếm được, trong khi cô ước vọng một địa vị tiến thân nhờ con đường khoa cử của vị hôn thê - song mơ hồ:

"Chẳng tham ruộng cả ao điền

Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ".

Mâu thuẫn trong ước vọng của giới bình dân phản ánh sự xung đột quan niệm giá trị của xã hội, hay chính là sự xung đột giữa danh và lợi.

Sự khao khát kiếm một tấm chồng làm nên danh phận còn khiến người phụ nữ coi việc nuôi chồng ăn học để đỗ đạt là bổn phận đương nhiên.

Dễ dàng để ta kể ra một câu chuyện cổ tích mà trong đó, cô thôn nữ ngày ngày chăn tằm dệt vải, đợi chờ cái cảnh đức lang quân vinh quy bái tổ, để rồi cô thành phu nhân của ông nghè ông cống.

Tiền bạc với họ, tất cả là để dành cho cái ngày mai đó: “Một quan là sáu trăm đồng / Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” (Thời trước - Nguyễn Bính, 1936).

tien va ke si anh 1

Cảnh vinh quy bái tổ được thể hiện trong tranh sứ. Ảnh: Tranhsubattrang.

Chẳng những nuôi chồng, họ cũng có khi phải nuôi bạn chồng ăn học như nàng Châu Long, và tất nhiên “5 con với một chồng” như bà Tú Xương nổi tiếng.

Trong khi đó, ông Tú Xương nằm trong danh sách dài miên man những người đàn ông có tiếng tăm hay địa vị xã hội trong suốt chiều dài lịch sử trung đại mà ai nấy đều có những vần thơ để than nghèo.

Các tác gia từ quan đầu triều Nguyễn Trãi đến đại khoa Nguyễn Khuyến ai nấy đều có những câu thơ tả cảnh nhà đạm bạc như “Cơm rau nước lã miễn tri túc” hoặc “Năm gian nhà cỏ thấp le te”. Nguyễn Công Trứ còn có hẳn bài Than cảnh nghèo.

Nhưng biết đâu Trạng Trình hay Uy Viễn tướng công cũng nghèo thật, vào cái thời dân chúng đói ăn loạn lạc vì chiến tranh?

Xem ra, để minh định độ bần bạch của các vị túc nho xưa, chúng ta phải len lỏi trong một khu rừng ngôn từ nhiều uyển ngữ, ngẫm ra có phần thuộc về lối từ chương bảy phần thực ba phần hư.

Cách diễn đạt này phản ánh một nhân sinh quan pha trộn Nho Lão mà mỗi người đàn ông có học cần khoác lên mình một cái áo vô vi sẵn sàng phòng khi thất chí.

Khi mà mối quan hệ sĩ - nông quanh quẩn câu “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, thì cảnh một vị “rắp tâm treo ấn từ quan” sẵn sàng sống cuộc đời “tương cà gia bản” cũng không quá đỗi gây sốc.

Về làng xã, họ mặc nhiên vẫn thuộc về tầng lớp trên, được ngồi ở chiếu trên nơi đình làng. Trong tâm thế xã hội, vật chất là quan trọng (“có thực mới vực được đạo”) song khi phải nói những lời văn vẻ, chữ nghĩa được vận dụng thành phương tiện gột sạch cám dỗ của đồng tiền.

Vậy là có hai thế giới song song được vận hành xoắn quyện với nhau một cách tài tình trong xã hội Việt Nam. Một thế giới thanh bần, tiền bạc đứng ngoài, bên trong ai nấy tiên phong đạo cốt, “người quân tử ăn chẳng cầu no”.

Một thế giới rủng rỉnh tiếng kim loại, tràn ngập những câu châm ngôn dạy người ta về sức mạnh của đồng tiền: “Tiền tươi thóc thật”, “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Con người Việt Nam tựa như quả lắc dao động giữa hai thế giới. Người ta vẫn nói trong mỗi người Việt Nam không chỉ có một ông quan và một thi sĩ, chính xác hơn nữa thì phải kể thêm một nhà phân tích tài chính thực dụng.

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY