“Tôi e là quân đội Nga, với những tổn thất, đang tiếp tục giành được lãnh thổ tại Donbas”, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/5 nói với Bloomberg. “Họ đang liên tục có tiến triển chậm rãi nhưng hiển hiện, và vì thế điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.
Tuyên bố của Thủ tướng Johnson là lời thừa nhận hiếm thấy của một quan chức phương Tây về tình hình thực địa ở miền Đông Ukraine, qua đó hé lộ khó khăn mà Kyiv đang gặp phải trong những ngày đầu tiên của tháng giao tranh thứ 4.
Một người lính Ukraine tạm nghỉ tại một chốt pháo binh gần Donetsk. Ảnh: Reuters. |
Nga giành được 2 thành phố tầm trung trong một tuần
Ngày 27/5, lực lượng ly khai thân Moscow nói đã kiểm soát thành phố Lyman ở tỉnh Donetsk, một trong hai tỉnh cấu thành vùng Donbas, sau những đợt pháo kích nặng nề.
“Một nhóm binh sĩ thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR - hai nhà nước tự xưng ở Donbass) với yểm trợ từ pháo binh Nga đã ‘giải phóng’ và kiểm soát toàn bộ” Lyman, DPR nói trong một tuyên bố.
Quan chức Ukraine cũng thừa nhận Lyman thất thủ. “Hầu hết Lyman hiện không còn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine”, lãnh đạo quân khu tỉnh Donetsk của Ukraine, ông Pavlo Kyrylenko nói. “Lực lượng vũ trang đang chỉnh đốn lại để giữ những vị trí được củng cố”.
Trong khi đó, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn tổng thống Ukraine, nhận định rằng đòn tấn công của Nga vào Lyman được tổ chức nhịp nhàng. “Điều này thể hiện sự cải thiện trong kỹ năng tác chiến và vận hành chiến dịch của quân đội Nga”, ông Arestovych nói.
Nga đã kiểm soát được Lyman. Đồ họa: BBC. Việt hóa: Quốc Đạt. |
Việc kiểm soát Lyman là khoảnh khắc đáng kể trong quá trình tiến quân của Nga cùng lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, theo BBC. Đây là thành phố tầm trung thứ hai thất thủ trước Nga trong tuần này, sau khi quân đội Ukraine phải rút khỏi Svitlodarsk - thành phố nằm xa hơn về phía nam - vào hôm 24/5 để tránh bị bao vây.
Chỉ có 20.000 dân trước giao tranh, Lyman không lớn nhưng sẽ cho phép lực lượng ly khai kiểm soát con đường cao tốc then chốt nối từ đông sang tây. Điều này còn có nghĩa quân ly khai chỉ cách thành phố Slovyansk - trung tâm vận tải và tiếp tế lớn cho Ukraine - 20 km về phía tây nam.
Giao tranh tại Lyman dường như cũng là một trong những lần đầu tiên pháo phản lực TOS-1A Solntsepek (Solntsepek có nghĩa là “ánh Mặt Trời”) của Nga được ghi hình tại Ukraine, theo Drive. TOS-1A bắn loại đạn nhiệt áp sẽ tạo ra sóng xung kích có tính hủy diệt cao khi trúng mục tiêu.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cho tổng thống Ukraine, hôm 27/5 đăng video được cho là ghi hình TOS-1A tấn công các vị trí của Kyiv tại Lyman. Ông nói đây là “vũ khí phi hạt nhân hạng nặng nhất” mà Nga dùng tại Ukraine.
Một trận đánh lớn khác ở Donbas nằm xa hơn về phía đông, nơi lực lượng Nga đang tiến đánh hai thành phố kề nhau là Severodonetsk và Lysychansk. Giao tranh quyết liệt đang diễn ra tại ngoại ô Severodonetsk.
Lực lượng Nga đã bao vây 2/3 thành phố Severodonetsk, thống đốc tỉnh Luhansk nói. Vị này cho biết Severodonetsk chưa bị bao vây hoàn toàn nhưng các đòn pháo kích vẫn diễn ra không ngớt suốt 2 ngày qua.
Tình hình chiến sự tại Donbas. Đồ họa: BBC. Việt hóa: Quốc Đạt. |
Hòa đàm "đóng băng"
Vào thời điểm yên bình tưởng chừng đã được lập lại tại Kharkiv, thành phố ở miền Đông Bắc Ukraine, nơi đây bị nã pháo hôm 26/5. Tiếng pháo phá tan hai tuần yên ắng, ngay khi cuộc sống ở đây đã bắt đầu trở lại bình thường.
Ít nhất 9 người đã thiệt mạng và 17 người bị thương trong đợt pháo kích này, theo Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Synehubov.
Hôm 27/5, Văn phỏng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết hơn 4.000 dân thường, bao gồm gần 200 trẻ em, đã thiệt mạng tại Ukraine kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2. Dù vậy, OHCHR cũng cho rằng con số thực tế có thể cao hơn.
Nhưng dù số thương vong dân thường ngày một tăng, lối thoát ra khỏi giao tranh vẫn chưa hiện rõ, nhất là khi hai bên tiếp tục cáo buộc nhau làm đình trệ quá trình hòa đàm.
Người dân Lyman, Ukraine đứng gần căn nhà bị phá hủy vào tháng 4. Ảnh: AFP. |
“Lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn nhau. Điều này khiến chúng tôi không thể nào hiểu hết những gì phía Ukraine muốn”, AFP hôm 27/5 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại ông đã cố sắp xếp cuộc gặp với người đồng cấp Nga để chấm dứt chiến sự. Tuy nhiên, ông cho rằng “dường như Moscow vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
“Có những điều cần thảo luận với nhà lãnh đạo Nga. Tôi không muốn nói là chúng tôi mong muốn được nói chuyện với ông ấy, nhưng chúng tôi phải đối mặt với thực tế sau những gì chúng tôi trải qua”, ông Zelensky nói.
Ukraine và các nước phương Tây lúc này có vẻ cũng chưa thể thống nhất về câu hỏi “giao tranh sẽ kết thúc như thế nào?”. Chỉ riêng vài ngày qua đã có nhiều tiếng nói khác nhau cố gắng trả lời câu hỏi này, theo New York Times.
Italy đưa ra đề xuất về lệnh ngừng bắn, trong khi giới lãnh đạo Ukraine cam kết đẩy lùi Nga trở về đường biên giới từ trước ngày 24/2. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Henry Kissinger, vị cựu Ngoại trưởng 99 tuổi của Mỹ, gợi ý rằng Ukraine nhiều khả năng sẽ phải từ bỏ một phần lãnh thổ trong đàm phán.
Nhưng dù trong trường hợp nào, đến cuối cùng thì lựa chọn khó khăn vẫn sẽ thuộc về Tổng thống Zelensky cùng chính phủ của mình.