Lần đầu tiên sau 6 năm, 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ tập trận trên Biển Đông, đợt phô diễn sức mạnh quân sự mới nhất từ Washington thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực, CNN cho biết.
Hai tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông ngay khi Trung Quốc tập trận hải quân quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Việc triển khai hai nhóm tàu sân bay cho thấy mức độ sẵn sàng cao của Hải quân Mỹ thách thức bất kỳ yêu sách chủ quyền phi lý nào trong khu vực.
Chỉ Hải quân Mỹ mới có khả năng triển khai cùng lúc hơn 2 tàu sân bay tại một địa điểm. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hoạt động dưới tên gọi lực lượng tấn công tàu sân bay Nimitz, USS Nimitz (CVN-68) và USS Ronald Reagan (CVN-76) thực hiện nhiều hoạt động chiến thuật được thiết kế để tối ưu hóa năng lực phòng thủ hạm đội và mở rộng tấn công hàng hải chính xác tầm xa từ các tiêm kích trên tàu sân bay.
“Những nỗ lực này hỗ trợ cho cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền của tất cả quốc gia trong việc đi lại tự do trên biển, trên không ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Lợi thế của Mỹ
Khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong năm nay, Washington đã tăng dần tần suất hoạt động trên Biển Đông, thực hiện nhiều chuyến tuần hành tự do hàng hải gần các thực thể mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, tăng cường các cuộc tập trận với Nhật Bản, Singapore, Australia và các đối tác khác.
Bên cạnh đó, việc điều động 2 tàu sân bay, mỗi tàu đều mang theo trên 60 máy bay chiến đấu và được hộ tống bởi tàu khu trục, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường dường như là tuyên bố rõ ràng, rằng Washington sẽ không nhường lại bất kỳ ảnh hưởng nào trong khu vực cho Bắc Kinh.
“Nimitz và Reagan tạo thành lực lượng chiến đấu nhanh nhẹn và hiệu quả nhất thế giới, ủng hộ cam kết của Mỹ đối với các thỏa thuận quốc phòng chung với đồng minh, đối tác trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, trích tuyên bố của Hải quân Mỹ.
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo liên hợp, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết cuộc tập trận với 2 tàu sân bay thể hiện sức mạnh mà ít nhất trong thời điểm này chỉ Hải quân Mỹ mới có.
Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay hoạt động đầy đủ chức năng và một tàu thứ hai đóng mới trong nước đang thử nghiệm. 2 tàu sân bay của Trung Quốc đều có kích thước nhỏ và mang ít máy bay hơn so với 2 tàu sân bay của Mỹ.
“Quy mô khác nhau về sức mạnh chiến đấu trong các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc sẽ rất đáng chú ý. Điều đó gửi đi tín hiệu quân sự và chính trị cho Bắc Kinh. Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ chứng minh ai có sức mạnh tiềm năng lớn hơn”, ông Schuster nói.
Ông Schuster cho biết thêm việc vận hành 2 tàu sân bay ở Biển Đông có chút phức tạp hơn, vì đây là khu vực đang tranh chấp. Để đáp ứng sự phức tạp ở Biển Đông, Không quân Mỹ đã điều động máy bay ném bom chiến lược B-52 phối hợp cùng tiêm kích trên 2 tàu sân bay trong nhiệm vụ tấn công.
Máy bay B-52 đã bay thẳng từ căn cứ ở bang Louisiana đến Biển Đông để tập trận, cho thấy khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng trên toàn cầu của không quân chiến lược Mỹ.
“Chuyến xuất kích này thể hiện khả năng tiếp cận từ căn cứ ở lục địa Mỹ đến bất kỳ nơi nào trên thế giới để thực hiện nhiệm vụ, sau đó nhanh chóng tái nạp vũ khí và nhiên liệu từ một căn cứ tiền phương để tiếp tục hoạt động”, trung tá Christopher Duff, chỉ huy phi đội ném bom 96 nói trong một tuyên bố.
Phản ứng của Trung Quốc
Khi hai tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với tờ Global Times rằng các tàu sân bay của Mỹ không khác gì hổ giấy trước ngưỡng cửa của Trung Quốc và nói rằng Bắc Kinh có nhiều hỏa lực trên Biển Đông.
Đội hình trên biển và trên không hùng hậu của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Wang Yunfei, sĩ quan PLA đã nghỉ hưu, nói việc tàu sân bay Mỹ xuất hiện trên Biển Đông cung cấp mục tiêu thực tế cho PLA để kiểm tra khả năng của họ. Chuyên gia quân sự Trung Quốc từng tuyên bố tên lửa đạn đạo DF-21D có thể tấn công tàu sân bay đang di chuyển trên biển.
Tuy nhiên, trên thế giới chưa từng có quốc gia nào chế tạo thành công tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển. PLA cũng chưa bao giờ cho thấy tên lửa DF-21D có khả năng đó.
Trong một bài đăng trên Twitter của tờ Global Times viết rằng “bất kỳ hoạt động của tàu sân bay Mỹ trong khu vực là niềm vui cho PLA”.
Đáp lại, Hải quân Mỹ tweet rằng “Chúng tôi vẫn ở đó, 2 tàu sân bay Mỹ vẫn rẽ sóng trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông và không hề bị đe dọa”.