Bộ Quốc phòng Anh cho biết hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hoạt động như “tai mắt” của Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đợt triển khai này sẽ kéo dài 5 năm, CNN đưa tin.
“Hai phần ba thế giới là sân chơi của chúng tôi”, trung úy Ben Evans, sĩ quan chỉ huy tàu HMS Spey - tàu tuần tra xa bờ tải trọng 2.000 tấn, nói. Tàu HMS Spey sẽ hợp tác với tàu tuần tra xa bờ HMS Tamar trong sứ mệnh kéo dài đến năm 2026.
Trong quá trình làm nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hai tàu của Anh sẽ tuần tra biển Bering, đến phía nam New Zealand và bang Tasmania của Australia.
Hai tàu tuần tra xa bờ của Anh rời cảng Portsmouth hôm 7/9. Ảnh: Royal Navy. |
“Họ sẽ đóng vai trò là tai mắt của hải quân và của nước Anh trong khu vực. Họ sẽ làm việc với các đồng minh của Anh thực hiện các chuyến tuần tra an ninh, chống buôn lậu ma túy, khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác. Họ sẽ tham gia các cuộc tập trận hải quân với đồng minh và đối tác trong khu vực”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố.
Các tàu này sẽ không có căn cứ thường trực ở Thái Bình Dương. Họ sẽ ghé thăm các căn cứ và cảng của đồng minh, đối tác phù hợp với sứ mệnh. Thủy thủ đoàn trên tàu sẽ được luân phiên thay đổi, cho phép họ làm nhiệm vụ trong thời gian dài.
Mỗi tàu tuần tra mang theo thủy thủ đoàn 46 người, cùng 52 thủy quân lục chiến để hỗ trợ trong các nhiệm vụ.
Việc triển khai dài hạn 2 tàu tuần tra xa bờ là một phần trong kế hoạch “Nước Anh toàn cầu” được thúc đẩy sau Brexit.
Trước đó vào tháng 3, Anh đã công bố bản đánh giá sâu rộng về chính sách quân sự và đối ngoại. London bày tỏ sự ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới và cảnh báo về những thách thức đến từ Trung Quốc.