Bộ bách khoa toàn thư được biết đến với tên gọi “Vĩnh Lạc đại điển”, được biên soạn theo lệnh của Minh Thành Tổ, hoàng đế thứ 3 của triều Minh, trị vì từ 1402 đến 1424.
Theo thông tin từ Beaussant Lefèvre, đơn vị đấu giá hai tập sách kể trên, “Vĩnh Lạc đại điển” được biên soạn bởi hơn 2.000 học giả trong quãng thời gian từ 1404 đến 1408. Đây đồng thời là bộ bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới, nguyên bản bao gồm 22.877 chương.
Năm 1562, Minh Thế Tông, hoàng đế thứ 11 của triều Minh, ra lệnh chép lại quyển bách khoa toàn thư thành hai bản. Tuy nhiên, bản gốc đã thất lạc do chiến tranh, nạn trộm cướp và những vụ hỏa hoạn xảy ra dưới thời nhà Minh (1368-1644).
Một đoạn trong tập sách thuộc "Vĩnh Lạc đại điển" được bán hôm 7/7. Ảnh: Beaussant Lefèvre. |
Theo nhà đấu giá Beaussant Lefèvre, tuy hai tập sách được bán hôm 7/7 chỉ là bản sao song chúng được liệt vào loại sách cực kì hiếm, bởi cho tới nay người ta chỉ còn lưu giữ được khoảng chưa đầy 400 tập của bộ sách này. Thư viện Anh hiện lưu giữ 24 tập sách bao gồm 49 chương của bộ từ điển.
Tập sách có kích thước đồ sộ với chiều dài gần 51 cm và bề rộng khoảng 31 cm, được viết bằng hai màu mực đỏ và đen trên chất liệu giấy. Dù kỹ thuật in đã phát triển vào thời điểm bộ từ điển ra đời song “Vĩnh Lạc đại điển” được viết tay hoàn toàn.
Trong hai tập sách được đấu giá hôm 7/7, một cuốn viết về các hồ ở Trung Quốc, cuốn còn lại viết về những nghi thức tang lễ và mai táng người chết. Một người mua giấu tên đã trả 8,1 triệu euro (9,2 triệu USD) bao gồm phụ phí để sỡ hữu hai cuốn sách kể trên, trong khi giá dự kiến trước khi đấu giá của hai tập sách này rơi vào khoảng 5.000-8.000 euro.