Các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai đảng hôm 6/11 đã đưa ra những lập luận cuối cùng của họ với cử tri hai ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, với một số đảng viên Dân chủ hàng đầu coi cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý về nền dân chủ Mỹ.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại nói rằng họ sẽ giải quyết tốt hơn các vấn đề kinh tế của người Mỹ, đồng thời liên tục khẳng định đối thủ của họ không đủ vững để giúp cử tri, bất chấp luận điệu của đảng Dân chủ rằng đảng Cộng hòa là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ chính trị của quốc gia, theo Guardian.
Đảng Dân chủ
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Minnesota Amy Klobuchar nói trên chương trình State of the Union của CNN: “Kinh tế là vấn đề trọng yếu. Mọi quốc gia trên thế giới đều đã trải qua thời gian khó khăn sau đại dịch. Câu hỏi cử tri phải đặt ra là họ tin tưởng ai sẽ thấy và đứng ra bảo vệ họ, chăm lo an sinh xã hội và sức khỏe của họ”.
Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Mableton, Georgia, ngày 4/11. Ảnh: Reuters. |
Bà Klobuchar cũng cảnh báo rằng một sự thay đổi quyền lực ở quốc hội có thể gây nguy hiểm cho đất nước. Bà lưu ý rằng nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa đã phát tán những hoài nghi về cuộc bầu cử năm 2020, và nói rằng “cái bóng” của cựu Tổng thống Donald Trump đang bao phủ ở các bang quan trọng.
“Những ứng viên này đang ném sự thật ra ngoài cửa sổ. Họ đang phá vỡ pháp quyền và cười với bạo lực chính trị. Nếu bạn là đảng viên Dân chủ, đảng viên Cộng hòa độc lập hoặc ôn hòa, thì nền dân chủ nằm trên lá phiếu và đã đến lúc bỏ phiếu cho nền dân chủ”, bà Klobuchar nói.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ New Jersey Cory Booker cũng bày tỏ quan điểm tương tự. "Chúng ta phải nhớ sau những gì chúng ta đã thấy ngày 6/1/2021. Đảng Cộng hòa hay Dân chủ, chúng ta nên bầu chọn những người tin tưởng vào nền dân chủ của chúng ta, tin vào truyền thống của chúng ta và cuối cùng muốn đoàn kết mọi người chứ không phải chia rẽ”, ông Booker nói trên chương trình This Week của ABC.
“Có một nền văn hóa coi thường ở đất nước này. Bạn thấy những người làm công tác bầu cử ngày càng bị đe dọa. Bạn thấy các thẩm phán gặp những mối nguy ngày càng tăng. Rất tiếc, thậm chí chúng ta thấy điều đó xảy ra với các thành viên quốc hội, như những gì đã xảy ra với Paul Pelosi (chồng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - PV)”.
“Có điều gì đó không ổn ở đất nước chúng ta khi bạo lực chính trị gia tăng, các mối nguy ngày càng nhiều đang thực sự đe dọa mỗi người dân”, ông Booker lập luận.
Nghị sĩ Jim Clyburn của đảng Dân chủ ở Nam Carolina trên Fox News Sunday kêu gọi không bỏ phiếu cho những người cố gắng gây ra hoài nghi về tính hợp lệ của các cuộc bầu cử.
"Nếu họ (ứng viên) đang nói dối, phủ nhận, cố gắng xóa bỏ (kết quả bầu cử), cố gắng vô hiệu phiếu bầu, hãy bỏ phiếu chống lại sự ngu ngốc đó", ông Clyburn nói.
Tổng thống Joe Biden trong buổi vận động tranh cử cho Thống đốc đương nhiệm của đảng Dân chủ Kathy Hochul và các đảng viên Dân chủ khác ở New York, ngày 6/11. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng hòa
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên ABC, Thống đốc Virginia Glenn Youngkin - một đảng viên Cộng hòa - nói với cử tri rằng đảng của ông đại diện tốt hơn cho lợi ích kinh tế của cử tri. Ông Youngkin cũng đánh vào vấn đề chiến tranh văn hóa và tội phạm gia tăng.
“Người Mỹ đang bị tổn thương và các ứng viên đảng Cộng hòa đang đưa ra giải pháp chung cho những vấn đề quan trọng nhất này. Người Mỹ ngồi quanh bàn của họ vào buổi tối và họ lo lắng về lạm phát, về tội phạm, về trường học, và về biên giới”.
“Đảng Cộng hòa có các giải pháp rõ ràng cho tất cả điều này”, ông Youngkin nói mà không nêu chi tiết bất kỳ giải pháp nào trong số đó.
Chính sách tư tưởng mạnh mẽ của cả hai đảng trước ngày bầu cử 8/11 nói lên một kết quả tiềm năng cho tương lai của quốc gia. Đảng nắm quyền kiểm soát quốc hội thường mất vị thế đa số trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Vì vậy, nếu đảng Cộng hòa chiếm được đa số ghế và giành quyền kiểm soát quốc hội vào thời điểm này, điều đó không gây ngạc nhiên.
Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi chính trị mạnh mẽ nào trong bối cảnh hiện tại cũng có thể thổi bùng ngọn lửa bất ổn trên một quốc gia đang ngày càng chia rẽ về các vấn đề như bỏ phiếu, kiểm soát súng, chủng tộc, tự do sinh sản và quyền LGBTQ+.
Khi bạo lực chính trị và các thuyết âm mưu xuất hiện nhiều, nền chính trị gây chia rẽ của ông Trump có thể lại thống trị một lần nữa, đặc biệt là khi ông có thể sớm tuyên bố ứng cử tổng thống năm 2024.
Bất kể kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ như thế nào, vẫn chưa rõ liệu các chính trị gia có thể đưa ra các giải pháp lập pháp tốt cho những vấn đề này hay không. Đất nước có thể sẽ cần sự hợp tác của lưỡng đảng để có các quyết sách tốt, nhưng điều này dường như không thể xảy ra trong một bầu không khí chính trị đảng phái gay gắt, theo Guardian.
Người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong buổi mít tinh trước cuộc bầu cử giữa kỳ, ở Miami, Florida, ngày 6/11. Ảnh: Reuters. |
Trên chương trình Meet The Press của NBC, người dẫn chương trình Chuck Todd đã hỏi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Florida Rick Scott: “Dự luật đầu tiên mà đảng Cộng hòa sẽ đệ trình lên tổng thống nếu nắm quốc hội mà ông nghĩ rằng dự luật đó sẽ được ký là gì?”.
Ông Scott trả lời: “Tôi nghĩ vấn đề chúng ta phải giải quyết là lạm phát. Chúng ta phải tìm ra cách sử dụng ngân khố một cách khôn ngoan để chấm dứt lạm phát. Tôi nghĩ chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể để giảm tỷ lệ tội phạm hiện nay. Và, chúng ta phải đảm bảo an ninh biên giới”.
Cựu Tổng thống Trump đã xuất hiện tại Miami vào cuối ngày 6/11 để ủng hộ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio của Florida, người đang chạy đua cho một nhiệm kỳ nữa.
Cựu tổng thống đã chế giễu các chính trị gia cánh tả, quảng bá nền tảng Truth Social của mình và dự đoán quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ nhắm vào một số vấn đề như chiến tranh văn hóa ở Florida, bao gồm thuyết phân biệt chủng tộc và quyền LGBTQ.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden hôm 5/11 đã nói rằng cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 sẽ xác định đâu trong số “hai tầm nhìn rất khác nhau về nước Mỹ” sẽ chiếm ưu thế.
Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2019. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.