Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hải quân nhỏ nhất Đông Nam Á

Ngoài những nước có Hải quân đông đảo, hùng hậu, Đông Nam Á còn tồn tại một vài lực lượng hải quân nhỏ bé của Brunei, Lào, Campuchia...

Hải quân nhỏ nhất Đông Nam Á

Ngoài những nước có Hải quân đông đảo, hùng hậu, Đông Nam Á còn tồn tại một vài lực lượng hải quân nhỏ bé của Brunei, Lào, Campuchia...

Hầu hết, các lực lượng này là của những quốc gia nghèo như Lào, Campuchia, Đông Timor. Cá biệt, Brunei tuy là quốc gia giàu nhưng hải quân của họ vẫn thuộc dạng nhỏ, chỉ khá hơn một chút so với 3 nước trên.

Hải quân Hoàng gia Brunei

Hải quân Brunei chịu trách nhiệm bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ tuyến đường hàng hải, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á khác bắt đầu hiện đại hóa tàu chiến từ những năm 1990, thì Brunei phải chờ tới những năm 2000.

Năm 2011, Brunei biên chế 3 tàu tuần tra lớp Darussalam dài 80m, có hệ thống vũ khí hiện đại với pháo hạm 57mm và tổ hợp tên lửa chống hạm MM40 Block 2 Exocet (4 quả). Đây là những tàu hiện đại nhất của Hải quân Brunei.

Tàu tuần tra lớp Darussalam.

Trước đó, năm 2010, Brunei cũng đưa vào trang bị 4 tàu tuần tra dài 41m do hãng Lurssen Werft (Đức) chế tạo.

Ngoài ra, Brunei còn có trong biên chế 3 tàu cao tốc tên lửa lớp Waspada (do Singapore đóng). Chúng có lượng giãn nước 206 tấn, trang bị 2 tên lửa chống hạm tầm ngắn MM38 Exocet.

Brunei cũng có hơn 20 tàu pháo tuần tra có lượng giãn nước từ vài trăm tấn tới mấy chục tấn, trang bị pháo hoặc súng máy hạng nhẹ.

Nhìn chung, tàu chiến Brunei chủ yếu dùng để tuần tra bảo vệ vùng biển nước này. Khi cần, nó có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu mặt biển nhưng khả năng hạn chế.

Hải quân Hoàng gia Campuchia

Campuchia có đường bờ biển dài 443km nhưng diện tích lãnh hải tương đối lớn. Đáng lẽ, Hải quân Campuchia phải xây dựng mạnh mẽ, hiện đại để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Tuy nhiên, do kinh tế yếu kém, ngân sách quốc phòng hạn hẹp, Hải quân Campuchia không được đầu tư nhiều.

Họ là bộ phận nhỏ nhất trong lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia. Quân số thường trực khoảng 4.000 người (trong đó có 2.000 lính thủy đánh bộ).

Hải quân Campuchia trang bị 228 tàu/xuồng các loại nhưng 90% là các xuồng cao tốc tuần tra đường sông và biển Hồ. Các tàu chiến có khả năng hoạt động trên biển đều là tàu kiểu cũ, lạc hậu, được viện trợ từ Liên Xô và Việt Nam.

Tàu tuần tra cao tốc lớp Tuyra (project 206M) của Hải quân Campuchia.

Họ có 5 tàu phóng lôi lớp Tuyra (projec 206M) do Liên Xô viện trợ, có lượng giãn nước 250 tấn, dài 39,6m. Vũ khí trang bị gồm 2 tháp pháo 57mm, 2 pháo 25mm và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm.

Giai đoạn 1985-1987, Campuchia được Liên Xô viện trợ thêm 5 tàu cao tốc lớp Stenka (project 205P), có lượng giãn nước 245 tấn, dài 37,5m. Tàu được vũ trang 2 tháp pháo Ak-230 30mm, 4 ống phóng ngư lôi cỡ 400mm.

Theo một số nguồn tin, năm 1998, Việt Nam viện trợ cho Campuchia một tàu phóng lôi lớp Shershen. Tàu có lượng giãn nước 172 tấn, dài 34,08m, có 2 tháp pháo Ak-230 30mm và 4 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm.

Tất cả các hệ thống phóng ngư lôi trên Tuyra, Stenka va Shershen trên tàu Campuchia đều bị gỡ bỏ.

Giai đoạn 2005-2007, Campuchia được Trung Quốc hỗ trợ thêm một vài tàu tuần tra cao tốc.

Đó là tất cả những gì mà Hải quân Campuchia có nên hải quân của họ chỉ có thể đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra, chống buôn lậu ma túy, buôn lậu, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Hải quân Nhân dân Lào

Lào là quốc gia không có biển nhưng vẫn tổ chức lực lượng hải quân để đảm bảo an ninh sông Mekong.

Quân số thường trực lực lượng này vào khoảng 500 người, trang bị 50 tàu/xuồng cao tốc. Không có nhiều thông tin về kiểu loại tàu/xuồng cao tốc trang bị cho Hải quân Lào.

Hải quân Đông Timor

Hải quân Đông Timor được thành lập tháng 12/2001. Đây là lực lượng trẻ nhất trong hải quân 11 nước Đông Nam Á.

Thuở ban đầu, hải quân được hình thành với sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Năm 2001, Hải quân Đông Timor được Bồ Đào Nha viện trợ 2 tàu tuần tra cao tốc lớp Albatroz.

Hai tàu pháo lớp Thượng Hải 2 Type 062 của Hải quân Đông Timor.

Tháng 4/2008, Đông Timor ký hợp đồng với Trung Quốc mua 2 tàu cao tốc lớp Thượng Hải 2 Type 62. Năm 2010, 2 tàu lần lượt được chuyển giao.

Tàu tuần tra có lượng giãn nước 134 tấn, dài 38,8m. Tàu trang bị 2 tháp pháo 30mm và 2 pháo 25mm. Đây là tàu chiến lớn nhất mà Đông Timor có trong biên chế.

Năm 2011, Đông Timor được Hàn Quốc tặng 3 tàu tuần tra cao tốc lớp Chamsuri. Tàu có lượng giãn nước 170 tấn, dài 37m. Chamsuri vũ trang một pháo 40mm, 2 pháo 6 nòng cỡ 20mm.

Tháng 3/2011, Đông Timor cũng ký hợp đồng với hãng đóng tàu PT Pal Indonesia mua thêm 2 tàu cao tốc.

Hải quân Đông Timor chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra gần bờ, chống buôn lậu ma túy, tìm kiếm cứu nạn khi cần.

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm