Ngày 21/2, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến vào một số nội dung trình tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND TP khóa XV.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng đã báo cáo và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương khoanh vùng bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích bãi cọc Cao Quỳ gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trên địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (từ ngã 3 sông Đá Bạc và sông Giá đến bến Phà Rừng).
Khu vực phát hiện bãi cọc Cao Quỳ có nhiều dự án khai thác khoáng sản. Ảnh: Quốc Nam. |
Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, ngành chức năng đề nghị hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị có quy mô lớn; không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ để xác định các di tích liên quan.
Sở cùng đề nghị đồng ý chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150 ha.
Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất thông qua chủ trương khoanh vùng để bảo tồn bãi cọc, tránh bị xâm hại và giữ lại cảnh quan; đồng thời đề nghị UBND TP triển khai tiếp các nội dung để trình HĐND ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 12.
Kỳ họp bất thường HĐND TP Hải Phòng sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Cùng với đó, công tác khảo sát để lập quy hoạch bảo tồn và xây dựng đường giao thông kết nối đến vị trí bãi cọc cần được đẩy nhanh; phấn đấu khởi công xây dựng vào dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/2020).
Trước đó, ngày 1/10/2019, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu (nông dân xã Liên Khê) phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Kết quả khai quật và đánh giá của các nhà khoa học, nhà sử học cho thấy đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng.
Phát hiện này làm thay đổi nhận thức về cuộc chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Qua đó còn cho thấy khả năng khu vực dọc sông Bạch Đằng, trải dài từ ngã 3 sông Đá Bạc và sông Giá đến Phà Rừng ngày nay còn rất nhiều di tích, di chỉ chưa được phát hiện.
Từ đó, chính quyền TP Hải Phòng nhận thấy việc tổ chức khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng như trên là hết sức cần thiết.
Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND TP Hải Phòng (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 28/2.
Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án, gồm: Xây dựng di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng (thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên); mở rộng quốc lộ 10, đoạn từ cầu Kiền đến cầu Đá Bạc và đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (giai đoạn 1).
Đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con và Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An.