Ngày 21/12, thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 27/11 đến ngày 19/12, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Các nhà khoa học kết luận đây là khu vực bãi cọc có quy mô với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Cọc đều nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông.
3 hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Sở VHTT Hải Phòng. |
Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.
"Tiêu chí di sản thế giới dần lộ diện"
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử, cho biết việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn hơn về trận Bạch Đằng năm 1288.
Đây không chỉ là chiến công vĩ đại bậc nhất của dân tộc, mà còn là chiến công mang tầm thời đại, có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Từ lâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu về chiến thắng này qua các bãi cọc được phát hiện trước đó ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
“Việc phát hiện bãi cọc này đã xác định rõ hơn các nghiên cứu từ trước đến nay là có cơ sở”, ông nói.
Theo giáo sư Ngọc, bãi cọc Cao Quỳ nằm đối diện với Hang Son và Thiên Long Biển. Hai địa danh này là căn cứ hậu cần, đại bản doanh của nhà Trần. “Tất cả các di tích liên quan mật thiết với nhau”, ông nói.
Từ đó, ông cho rằng Thủy Nguyên chính là vùng trung tâm chuẩn bị cho chiến trường nên cần sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Tiến sĩ Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết kết quả quan trọng nhất của đợt khai quật lần này là để thấy tầm quan trọng của chiến thắng Bạch Đằng.
“Tuy đã nói trong sách nhiều nhưng những chứng cứ lịch sử và những hiện vật như các bãi cọc rất là quý. Trước đó có phát hiện một số bãi cọc ở nơi khác nhưng chưa thể mô phỏng hết toàn bộ quy mô, hình thức, nội dung của trận đánh Bạch Đằng năm 1288. Từ phát hiện này, cần có nghiên cứu tổng thể về mối liên kết lịch sử liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng”, ông nói.
Tiến sĩ Thành đề xuất các ngành chức năng, chính quyền TP Hải Phòng cần có các bước để đưa khu vực bãi cọc Cao Quỳ được xếp hạng di tích. Xa hơn, cần liên kết với các phát hiện bãi cọc trước đó và các di tích liên quan để đưa khu vực này trở thành một cụm di sản có tầm vóc chứ không xếp hạng lẻ tẻ.
Theo ông Thành, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng đánh giá trận chiến Bạch Đằng đánh quân Nguyên Mông là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế.
“Như vậy, có thể xếp hạng đó là di sản thế giới, chứ không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt. Tiêu chí là có ảnh hưởng một khu vực, địa cầu nào đấy. Tiêu chí đấy bước đầu đã được nhận diện”, ông Thành nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thành. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Do đó, hướng phát triển xa hơn nữa của khu vực này mới là quan trọng. Ông mong chờ TP Hải Phòng sớm khai quật các khu vực tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hình ảnh tổng thể về diễn biến lịch sử và chứng minh bằng các dấu ấn vật chất quan trọng.
Trước mắt, các nhà nghiên cứu đề nghị Hải Phòng cần chuyển đổi quyền sử dụng đất ở khu vực đã tiến hành khai quật khảo cổ trở thành khu vực bảo tồn di sản. Thứ hai, không tổ chức hoạt động sản xuất nữa để trước mắt giữ nguyên hiện trạng. Sau này, có dự án tổng thể thì sẽ có những định hướng bảo tồn lâu dài.
Theo tiến sĩ Thành, các cọc gỗ sau khi đưa lên khỏi mặt nước hoặc đất sẽ có thể biến dạng. Điều đó làm mất giá trị của hiện vật.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu hiện chưa có phương án phát huy thì nên lấp đất lên khu vực này và cắm mốc, có hàng rào bảo vệ. Tránh các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trong khu vực này”, ông nói.
Đề nghị công nhận là di tích quốc gia đặc biệt
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định việc phát hiện bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều.
"Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau", ông nói.
Để làm được việc này, ông đề nghị các ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.
Ngày 20/12, các nhà khoa học, chuyên gia cùng lãnh đạo TP Hải Phòng thực địa tại bãi cọc vừa được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ. Bước đầu, các nhà khoa học nhận định bãi cọc này thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288. Đây là trận địa nhằm ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.
Trận chiến vang dội chống quân Nguyên - Mông
Ngày 1/10, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu (nông dân xã Liên Khê) phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Ngày 27/11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288. Đây là trận địa nhằm ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Quân địch buộc phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn khiến tàu bị nhấn chìm xuống lòng sông Bạch Đằng.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chính là trận chiến vang dội nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần, mang dấu ấn tài thao lược của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đây được coi là "trận đánh huỷ diệt" và là trận thuỷ chiến lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.