Tổng thống Guillermo Lasso đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 4/24 tỉnh mà ông cho là “tập trung bạo lực nhiều nhất” vào ngày 29/6.
Tuy nhiên, 4 tỉnh này không bao gồm thủ đô Quito, nơi ước tính tập trung khoảng 14.000 người biểu tình, theo AFP.
Các cuộc đàm phán chấm dứt phong trào biểu tình làm rung chuyển đất nước Nam Mỹ đã bị đình chỉ vào ngày 28/6, sau khi chính phủ cáo buộc những người biểu tình gây ra cái chết của một binh sĩ.
Cảnh sát chống bạo động xử lý một cuộc phong tỏa trên đường cao tốc đến sân bay Quito, vào ngày 17/6. Ảnh: AFP. |
Trước đó, vào ngày 27/6, Tổng thống Ecuador tuyên bố sẽ giảm giá xăng. "Tôi quyết định giảm 10 cent giá xăng cho mỗi gallon (3,78 lít)", AFP dẫn lời ông Lasso.
Tuy nhiên, mức giảm mà ông đưa ra chưa đạt mức yêu cầu của những người biểu tình trong nước.
“Chúng tôi không muốn 10 cent, chúng tôi muốn kết quả”, họ nói. Hàng trăm người đã biểu tình ở trung tâm thành phố, gần trụ sở chính phủ, nơi bị cảnh sát phong tỏa bằng hàng rào kim loại.
CONAIE, tổ chức bản địa lớn nhất của Ecuador, đã phát động một cuộc biểu tình chống chính phủ công khai vào ngày 13/6. Sau đó, nhiều sinh viên, công nhân và các nhóm người bất mãn khác cũng tham gia.
Những người biểu tình đã chặn các con đường trên khắp đất nước để phản đối chính sách kinh tế và xã hội của ông Lasso, yêu cầu ổn định giá xăng dầu, ngừng các dự án khai thác dầu mỏ mới, đồng thời gia hạn thêm thời gian để nông dân trả khoản vay ngân hàng của họ.
Tuyên bố ngày 29/6 là lần thứ tư quốc gia Nam Mỹ phải dùng quyền hạn khẩn cấp kể từ năm ngoái.