Trong căn nhà lạnh lẽo không có gì đáng giá ngoài chiếc giường của người hàng xóm không nỡ đốt đi theo người đã chết cho mẹ con chị. Bên cạnh sự bươn chải nhặt phế liệu, rác thải lo cuộc sống cơm áo hằng ngày, hằng tháng chị Hà còn phải lo tiền chạy chữa căn bệnh huyết tán (bệnh tan máu tự miễn) quái ác cho cô con gái. Hoàn cảnh của mẹ con chị Hà thật đáng thương...
Nhặt ve chai nuôi hy vọng
Tứ chi co quắp, đi lại vận động rất khó khăn, giọng nói không được lưu loát như người bình thường nhưng chị Hà cũng được học hết lớp 3 trường làng, biết mặt con chữ, tính được các phép tính đơn giản. Chị cùng mẹ bước những bước chân khó nhọc, tay quắp thúng, mẹt bán bỏng, bánh kẹo nơi cổng trường làng. Nhìn các bạn được đến trường, đến lớp chạy nhảy vui đùa mà chị không khỏi chạnh lòng.
Bán hàng cả ngày, chiều đến đợi khi tiếng trống tan trường đã điểm, sân trường không còn bóng học sinh, chị xin được vào quét lá giúp mẹ lấy cái đun cơm, đun cháo qua ngày. Cả cuộc đời chị chỉ biết nương tựa cổng trường kiếm kế sinh nhai. Năm 1994, mẹ lâm bệnh qua đời, bố lại ốm nặng, chị phải bỏ gánh hàng rong ở nhà chăm sóc bố. Đến năm 1996, bố cũng bỏ chị ra đi về nơi suối vàng.
Được bố mẹ để lại cho chút tài sản, chị đã xây được căn nhà 2 tầng với 23 m2. Nhiều đêm chị nằm suy nghĩ “… giờ mình tàn tật thế này, trẻ khỏe còn làm được việc chứ khi về già thì lấy ai chăm nom”. Sau nhiều lần đắn đo, chị đi đến quyết định xin một mụn con hy vọng nương tựa lúc tuổi già. Năm 1997, bé Phạm Thị Hải Lan ra đời.
Chị Phạm Thị Hà chăm sóc con gái Phạm Thị Hải Lan. |
Một mình sinh con, lúc con ốm đau nếu là người bình thường khỏe mạnh đã vất vả, khó khăn thì đối với người tàn tật như chị Hà lại càng vất vả, khó khăn gấp bội. Từ khi bỏ gánh hàng rong, sinh con, công việc duy nhất của chị là đi nhặt ve chai kiếm sống.
Sáng sáng, tranh thủ lúc con đang say giấc nồng, chị nhẹ nhàng khép cửa đi nhặt phế thải từ 3, 4 giờ đến khoảng 6 giờ, rồi chị đem bán cho cửa hàng thu mua phế thải được 3.000 đến 5.000 đồng, hôm nào may mắn nhặt được nhiều thì bán được 10.000 đồng. Chị nhanh chóng về bên con, chăm cho con ăn uống để con tung tăng cắp sách tới trường mà không hề hay biết công việc cơ cực của người mẹ tàn tật.
Bé Lan sống trong tình yêu thương và sự quan tâm của người mẹ đặc biệt này nên hiếm khi thấy cháu bị đau ốm nặng. Không phụ công mẹ, 9 năm liền từ năm học lớp 1 đến lớp 9, kết quả học tập của cháu đều đạt học sinh giỏi. Thi chuyển cấp vào Trường THPT Xuân Đỉnh, cháu đạt 42,5 điểm được vào Lớp 10A2 chuyên Toán, Lý, Hóa.
Những tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chị, con gái ngoan hiền, học giỏi, cánh cửa tương lai của hai mẹ con đang rộng mở, thì một tai họa ập tới...
Thấy con có biểu hiện vàng da, ăn uống kém, ban đầu chị Hà cứ mắng con là sợ béo ăn kiêng nên mới thế. Sau đó, cấp độ của bệnh tăng dần khi Lan bước lên cầu thang ở trường thấy có biểu hiện chóng mặt, ngồi học lâu thì đau đầu, và có lần bị ngất xỉu tại lớp.
Thầy cô giáo và các bạn cùng lớp phải sơ cứu rồi đưa cháu đến phòng khám gần trường. Ở phòng khám, bác sĩ cho chụp X-quang, xét nghiệm máu và chẩn đoán cháu bị thiếu máu.
Một thời gian sau, bệnh đau đầu, chóng mặt của Lan lại tái diễn, chị Hà phải đưa con vào Bệnh viện E để khám. Thời điểm đó, mới vào đầu năm học, thẻ bảo hiểm y tế mới chưa cấp, thẻ cũ thì hết hạn nên cháu nằm viện mà không có bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Trong 15 ngày nằm viện, truyền máu, chi phí ăn uống đi lại hết 15 triệu đồng. Tiền không có, chị phải chạy vạy, vay mượn mỗi người một ít lo thuốc thang chữa trị cho con. Về nhà, được 1 tháng, bệnh của con lại tái phát, lần này chị cho con vào Bệnh viện Quân y 354 điều trị, sau đó các bác sĩ giới thiệu lên Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.
3 tháng ròng nằm viện, sau khi làm hết các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận Lan bị bệnh huyết tán. Đây không phải là bệnh di truyền mà là khi cơ thể yếu, mệt, huyết sắc tố xuống dưới mức cho phép (dưới mức 70), chức năng tủy không sản sinh ra hồng cầu.
Tình trạng bệnh của cháu hồng cầu vỡ quá sớm nên dẫn tới mất máu, đau đầu, chóng mặt, cơ thể suy nhược... Mỗi lần như vậy buộc cháu phải nhập viện truyền máu, thời gian nằm viện khoảng 2 tuần. Biết bệnh của con, chị Hà không khỏi bàng hoàng, lo lắng song vẫn hy vọng một ngày nào đó con gái sẽ khỏi bệnh...
Điều ước thứ 7
Học ban A chuyên Toán, Lý, Hóa, kiến thức nhiều, nghỉ học liên miên nên không theo kịp, Lan nói với mẹ xin Ban giám hiệu nhà trường cho cháu được chuyển ban D.
Ở lớp D thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thường xuyên đau ốm, cô giáo chủ nhiệm cùng các cô bộ môn đã giảm phí học thêm và trích một phần học phí học thêm của lớp giúp mẹ con Lan. Nhà trường cũng dành tặng Lan những suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2014 đến nay, các tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã dành tặng cháu 300.000 đồng/tháng. Cứ 6 đến 9 tháng thì được lĩnh trợ cấp một lần.
Chị Phạm Thị Hà được Phòng Thương binh và Xã hội quận Bắc Từ Liêm trợ cấp 520.000 đồng hằng tháng. Hội Phụ nữ phường Xuân Tảo với “nắm gạo tình thương” giúp đỡ mẹ con chị 10kg gạo/tháng và quét vôi ve, sửa sang lại nhà cửa,... cho mẹ con chị nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân, tinh thần tương thân tương ái của nhà trường, thầy cô và bạn bè, lá lành đùm lá rách của bà con chòm xóm, tháng 6 vừa qua cháu cũng tốt nghiệp THPT.
Tôi hỏi Lan sao không đăng ký thi vào một trường đại học hay cao đẳng nào đấy để có một nghề cho tương lai? Lan nói, giá như có điều ước, cháu ước mình khỏe mạnh, được ngồi trên ghế của giảng đường đại học rồi tốt nghiệp, ra trường xin được việc làm ổn định báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ.
Nếu tính điểm thi đại học khối C cháu cũng đạt 17,5 điểm đấy ạ. Chị Hà bảo: Con bé cứ nói leo lẻo ra đấy rồi bất ngờ mệt, đau đầu là nằm vật ra chẳng làm ăn gì được hết, nằm còn không yên mong gì đến đi học nữa. Cháu nó còn khỏe ngày nào là chị mừng ngày đó, dù có phải bán nhà cứu con chị cũng sẽ làm.
So với các bệnh nhân ở Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương thì bệnh của Lan vẫn được liệt vào danh sách là bệnh nhẹ. Thương con đi viện nhờ hết người này người khác đưa đi, đón về nhiều quá cũng không tiện, chị lại vay mượn mua cho con chiếc xe đạp điện cũ để Lan tự đi đến viện kiểm tra sức khỏe hằng tháng.
Vậy là nợ nần lại chồng chất, tiền vay trước chưa trả hết giờ vay tiếp, trong lòng chị day dứt biết bao nỗi lo, lo nhất là người ta đòi nợ thì biết lấy tiền đâu mà trả. Rồi thẻ bảo hiểm y tế năm 2015 của Lan cũng gần hết hạn, giờ không đi học nữa biết lo bảo hiểm y tế cho con ra sao?...
Chia tay chúng tôi, chị Hà nghẹn ngào: Giờ đây chỉ mong con gái có bảo hiểm y tế, hằng tháng đến viện khám bệnh, giảm bớt được tiền viện phí để mẹ con vơi đi gánh nặng cuộc đời. Còn Lan, nhìn mẹ buồn rầu mà thương cảm, cháu mong sao mình có sức khỏe để đi học trường nghề, kiếm việc làm nuôi mẹ lúc tuổi già.
Chứng kiến hoàn cảnh hai mẹ con thật éo le, khốn khó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa, hy vọng thời gian tới có thật nhiều tấm lòng nhân ái sẽ đến với mẹ con chị Hà để chia sẻ bớt những khó khăn vất vả của họ.
Mọi sự sẻ chia giúp đỡ xin gửi về chị Phạm Thị Hà, số nhà 41/2/29 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, hoặc cháu Phạm Thị Hải Lan, số điện thoại: 01673197697.