Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai góc nhìn về sự phiêu lưu, tận hưởng của tuyển Việt Nam

Một kết quả thua không nằm ngoài dự đoán, nhưng cách thua của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản lại thật bất ngờ.

Tuấn Hải ghi bàn dẫn 2-1 cho tuyển Việt Nam trước Nhật Bản trong hiệp 1. Ảnh: AFC.

HLV Philippe Troussier đã khích lệ các học trò tận hưởng trận đấu và phiêu lưu cùng trái bóng, thay vì bằng mọi giá ngăn cản nó lăn vào lưới của mình…

Tối 14/1, trên sân vận động Al Thumama, tuyển Việt Nam dù sớm bị Nhật Bản dẫn trước nhưng đã quả cảm gỡ hoà và vượt lên tạo ra địa chấn, trước khi đối thủ ở đẳng cấp thế giới bừng tỉnh để kết thúc trận ra quân bảng D Asian Cup với tỷ số 4-2.

HLV Hajime Moriyasu thừa nhận ông bị bất ngờ với những gì tuyển Việt Nam đã thể hiện trong hiệp 1, đặc biệt là khoảng thời gian đầu trận. Dù Nhật Bản được đánh giá cao hơn hẳn và dễ dàng có được bàn thắng của ngôi sao Takumi Minamino, họ đã không lường nổi những phút quật khởi của đối phương.

Tuyển Việt Nam phiên bản “thắng bất ngờ”

Thực ra thì không phải chỉ người Nhật mà chính khán giả Việt Nam cũng ngỡ ngàng trước ý đồ của thầy Troussier. Không Nguyễn Văn Toàn, không Nguyễn Quang Hải, không nốt cả Đỗ Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài…, vốn là những lựa chọn thường thấy khi tuyển Việt Nam bố trí đội hình mạnh nhất để chơi ở đấu trường châu lục.

Nhà cầm quân người Pháp dĩ nhiên vẫn ưu tiên những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm cho các chốt chặn như Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Hùng Dũng ở khu trung tuyến, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình làm nòng cốt hàng phòng ngự, nhưng đối với những vị trí được phép chơi linh hoạt, ông đã không ngần ngại giao trọng trách cho các gương mặt trẻ như Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Thái Sơn, Võ Minh Trọng. Và đây chính là mấu chốt khiến người Nhật từ chỗ nhẩn nha chơi một trận đấu tập đã phải có những phút gồng lên rượt đuổi tỷ số.

Ông Moriyasu chắc hẳn không thể quên trung vệ Nguyễn Thanh Bình đã chơi một quả “trọng pháo” tầm cao như thế nào ngay trên sân nhà của họ trong trận hoà 1-1 ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Nhưng rồi hôm qua, Nhật Bản vẫn bị thủng lưới từ một pha không chiến, khi Bùi Hoàng Việt Anh đánh đầu đập đất tạo cơ hội cho Phạm Tuấn Hải ghi bàn cận thành. Đó đã là bàn… thứ 2 của tuyển Việt Nam trong khi Nhật mới chỉ có 1.

viet nam - nhat ban anh 1

Tuyển Việt Nam thắng Nhật Bản trong 44 phút đầu. Ảnh: AFC.

Một cú sốc nhẹ dành cho người Nhật, vì trong chuỗi 10 trận giao hữu và vòng loại World Cup 2026 thắng như chẻ tre vừa qua, họ chưa từng bị dẫn trước, dù đối thủ có là tuyển Đức hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, lưới của thủ thành Zion Suzuki đã tung lên bởi một đường cong không tưởng từ cú đánh đầu ngược của Đình Bắc. Nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc thăng hoa, giá trị lớn nhất của cầu thủ trẻ SLNA nằm ở tốc độ và khả năng chạy chỗ. Bằng pha thoát đi ở đẳng cấp cao, Đình Bắc đã khiến Yukinari Sugawara buộc phải nhận thẻ vàng để ngăn cản bàn thua thứ 3 có thể đến rất gần.

Nhờ sự di chuyển khôn ngoan của Đình Bắc, các đồng đội có thể duy trì lối chơi kiểm soát bóng và chờ cơ hội chuyền dài thoát pressing, thay vì phá bóng cầu may. Ngoài Tuấn Anh có nền tảng kỹ thuật rất tốt và đã quen cầm bóng, Thái Sơn, Minh Trọng và phần nào đó là Phan Tuấn Tài đã tham gia đều đặn vào công thức đeo bám, quây ráp, đoạt bóng và phát triển dọc biên cho Đình Bắc hoặc Phạm Tuấn Hải.

Khối đội hình tuyển Việt Nam co cụm khi chống đỡ nhưng tản ra tương đối nhanh khi phản công, tạo thành những phương án lên bóng không đơn độc. Cách chơi này khiến một tiền vệ thường xuyên dâng cao và có những cú sút thần sầu ở Liverpool như Wataru Endo buộc phải lùi sâu để bọc lót.

Trước trận đấu, ông Troussier từng nghĩ các học trò có thể chỉ cầm bóng 20%. Ông ám chỉ khả năng bị dồn ép đến ngộp thở. Nhưng trên thực tế, hiệp 1, tuyển Việt Nam có lúc kiểm soát bóng ngang ngửa đối phương và thống kê toàn trận, chúng ta cũng giữ được bóng đến 42% thời lượng.

Đó là một chỉ số tương đối khác biệt nếu nhìn về quá khứ, mỗi khi chạm trán các đối thủ vượt trội, bóng trong chân chúng ta rất ít ỏi. Vòng loại cuối cùng World Cup 2022, tuyển Việt Nam khi đó chỉ cầm được bóng 27% trước Saudi Arabia, 29% trước Australia và 27% trước chính Nhật Bản dù trận này, thầy trò ông Park Hang-seo vang dội cầm hoà 1-1.

viet nam - nhat ban anh 2

Chân sút trẻ Đình Bắc là điểm sáng lớn nhất của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản. Ảnh: AFC.

Và tuyển Việt Nam phiên bản “thua quen thuộc”

Tự tin giữ bóng, chủ động phát triển lối chơi và “chốt” được bàn thắng khi có cơ hội, đó là những điểm sáng mới mẻ mà tuyển Việt Nam trình diễn như một thành quả đáng trân trọng của “phù thuỷ” Philippe Troussier. Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng ta vẫn thua những bàn thua kiểu cũ, vẫn tụt hơi ở nửa sau trận cầu, vẫn có những sai sót cá nhân, và đó chưa phải là phẩm chất của một đội có thể cạnh tranh vé đi World Cup như kỳ vọng.

Xét một cách công bằng, tuyển Việt Nam mang đầy tinh thần quả cảm của thầy Troussier cũng chỉ có 3 lần dứt điểm trúng cầu môn. 2 bàn thắng đến từ đó, nhưng đều xuất phát từ các tình huống cố định và có được sau những kịch bản không thường gặp: một cú “lái ngược” của Đình Bắc và một sai lầm khó tin của thủ môn Suzuki.

Ngược lại, khung thành của Nguyễn Filip hứng chịu 10 cú sút từ các cầu thủ Nhật, trong đó 2 bàn lật ngược thế cờ cuối hiệp 1 là tinh hoa của đẳng cấp không cần bàn cãi. 2 bàn còn lại, một xuất phát từ sai lầm chọn vị trí của thủ môn Việt Nam, một là hệ quả tất yếu khi thể lực đã bị vắt kiệt.

Điểm chung của cả 4 bàn: chúng ta đứng phòng ngự số đông, đã làm khá tốt ở các tình huống đánh chặn trước đó nhưng không đủ tỉnh táo để đeo bám đến tận cùng. Có vẻ như những bàn thua kiểu này là một điểm yếu cố hữu, nhưng Ban huấn luyện tuyển Việt Nam chưa có phương án cải thiện.

viet nam - nhat ban anh 3

Các cú sút của Nhật đều vượt xa đẳng cấp của tuyển Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Chấn thương của Đặng Văn Lâm là cơ hội trình làng cho Nguyễn Filip, và anh đã chứng tỏ được trình độ của một thủ thành chơi bóng ở châu Âu bằng nhiều pha phản xạ xuất thần. Tuy nhiên, kinh nghiệm khoác áo đội tuyển, thi đấu với những đối thủ đẳng cấp thế giới vẫn là thứ đầy lạ lẫm với anh. Chưa kể thời gian chơi bóng ở Công An Hà Nội cũng dường như khiến kỹ năng của Nguyễn Filip phần nào suy giảm.

Hàng thủ 3 người (linh hoạt biến đổi thành 5) của ông thầy Pháp cũng đang có dấu hiệu hỗ trợ phản công tốt hơn phòng ngự. Thanh Bình hay Việt Anh hoàn toàn có thể phát triển theo mô típ của Terry, Ramos – các trung vệ thiện nghệ trong tấn công, nhưng dẫu sao đó vẫn là “nghề tay trái”.

Điểm tích cực từ thầy Troussier là khuyến khích cầu thủ giữ bóng phản công, nhưng mặt trái của nó nằm ở chỗ chúng ta có thể mất bóng bất cứ lúc nào. Trong một trận đấu mà 2 bàn thắng và những phút dẫn trước ông lớn Nhật Bản dễ dàng tạo ra cảm giác hài lòng, vẫn cần những cái nhìn gai góc và nghiêm khắc dành cho những pha ban bật thiếu an toàn ngay trước vòng cấm của Nguyễn Filip.

Thua một trận đấu, dù theo kịch bản nào và bằng cảm xúc nào, vẫn cứ là thua, là 0 điểm, là tạo ra rất nhiều chông gai cho đoạn đường đi tiếp. Tuyển Việt Nam đã có những khác biệt, những tư duy tươi mới, những hơi thở trẻ trung, nhưng nếu cần kết quả tốt, thầy Troussier vẫn cần cái nhìn thực tế và tiết chế hơn sự phiêu lưu của học trò.

Highlights Việt Nam 2-4 Nhật Bản: Màn trình diễn quả cảm Thầy trò HLV Troussier có màn thể hiện đáng khen ngợi trước đối thủ đứng thứ 15 trên BXH FIFA.

Tiết lộ về HLV Park Hang-seo

Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.

Hình ảnh gây sốt của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản

Thua 2-4 ở trận ra quân bảng D Asian Cup 2022 tối 14/1, song tuyển Việt Nam triển khai lối chơi hợp lý và có thời điểm giằng co trước đội tuyển mạnh hơn.

Biểu cảm lạnh lùng của HLV Troussier khi tuyển Việt Nam ghi bàn

Nhà cầm quân người Pháp không bộc lộ cảm xúc dù giúp tuyển Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử ghi 2 bàn vào lưới Nhật Bản tối 14/1

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm