Những lý do đằng sau phán quyết năm 2017 được đưa ra ánh sáng vào ngày 8/3, khi tòa án tối cao của Italy loại bỏ phán quyết của tòa án cấp thấp hơn và ra lệnh tái thẩm.
Năm 2016, phiên tòa sơ thẩm kết án những người đàn ông cưỡng hiếp một phụ nữ gốc Peru, 22 tuổi, vào thời điểm vụ tấn công năm 2015. Tên của cô không được công khai theo luật pháp Italy.
Sau đó, họ được tòa án cấp cao Ancona tha bổng với lập luận rằng câu chuyện của người phụ nữ không đáng tin vì cô ấy trông giống đàn ông và không hấp dẫn về mặt giới tính.
Nhóm người biểu tình bên ngoài tòa phúc thẩm ở thành phố Ancona của Italy để phản đối phán quyết của tòa trong một vụ hiếp dâm năm 2015. Ảnh: Twitter. |
Các thẩm phán, tất cả đều là nữ, rút ra kết luận từ một bức ảnh của người phụ nữ. Ngoài ra, các bị cáo nói rằng họ không bị cô này thu hút. Một bị cáo còn lưu số điện thoại của nạn nhân trong di động của anh ta dưới tên "Viking" (có nghĩa là cướp biển).
"Tôi đã đọc phán quyết năm 2017 và đó là lý do chúng tôi đệ trình lên tòa án tối cao. Thật kinh tởm khi đọc nó. Các thẩm phán bày tỏ nhiều lý do để tha bổng cho họ nhưng một trong những nguyên nhân là (các bị cáo) nói rằng họ thậm chí không thích cô ấy vì cô ấy xấu xí. Họ cũng viết rằng bức ảnh (của người phụ nữ) đã phản ánh điều này", Cinzia Molinaro, luật sư của nạn nhân, nói với Guardian.
Vụ án sẽ được một tòa án ở Perugia xét xử lại. Molinaro cáo buộc nhóm nam giới chuốc thuốc thân chủ của cô khi cả nhóm đến một quán bar sau lớp học buổi tối. Các bác sĩ cho biết vết thương của cô phù hợp với trường hợp bị hiếp dâm và có nồng độ cao của các loại thuốc benzodiazepin trong máu.
Molinaro cho biết người phụ nữ đã quay trở lại Peru sau khi bị cộng đồng tẩy chay ở Ancona vì báo cáo vụ việc.
Luisa Rizzitelli, người phát ngôn của Rebel Network, nhóm phụ nữ tổ chức cuộc biểu tình ở Ancona, chỉ trích quyết định của các thẩm phán là "như thời Trung cổ".
"Điều tồi tệ nhất là thông điệp văn hóa đến từ ba nữ thẩm phán đã tha bổng cho hai người đàn ông này vì họ quyết định rằng họ không muốn cưỡng hiếp ai đó có vẻ ngoài nam tính", Rizzitelli nói.
Cô cho biết gần 200 người tham gia cuộc biểu tình là một điều hiếm có ở Italy, cho thấy sự nhạy cảm đối với các chủ đề như vậy đang tăng lên.