Tại Việt Nam, hiện có 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông di động gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Indochina Telecom, Vietnamobile, và GMobile. Tuy nhiên, đa số thị phần lại thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone.
Theo số liệu công bố trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017, riêng 3 nhà cung cấp mạng viễn thông di động gồm Viettel, VNPT, MobiFone đã chiếm tới 95% thị phần trong nước.
Thị phần lớn giúp các doanh nghiệp viễn thông này thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Lãi hàng nghìn tỷ sau nửa năm
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2019 vừa được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố, nửa năm qua doanh nghiệp này đạt tổng cộng 26.118 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn tăng thấp hơn giúp lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 7.460 tỷ đồng, tăng 7,6%.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp kỳ này của VNPT đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ đạt 28,6% (cùng kỳ đạt tỷ suất 27,2%).
Cũng trong nửa năm qua, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tại VNPT đều tăng nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 30% khiến công ty thu về khoản lợi nhuận trước thuế 3.563 tỷ đồng, tăng 11%.
Về phía MobiFone, dù quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu chỉ bằng 1/3 so với VNPT, lợi nhuận công ty này thu về cũng đạt hàng nghìn tỷ đồng sau nửa năm qua.
Cụ thể, MobiFone đạt 15.168 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng gần nhất. So với số thu về cùng kỳ, doanh thu thuần kỳ này của công ty đã giảm 12%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 4%.
Tuy nhiên, nhờ việc tiết giảm được giá vốn hàng bán nên MobiFone đã cải thiện được tỷ suất lãi gộp kỳ này đạt 30,6%, cao hơn mức 28% cùng kỳ và cao hơn cả tỷ suất lãi gộp mà VNPT đang có được.
Cũng nhờ việc doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 5 lần, đạt 535 tỷ đồng giúp lợi nhuận trước thuế của công ty này tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
Như vậy, tỷ suất lãi trước thuế trên doanh thu tại MobiFone nửa năm qua vào khoảng 17,4%. Con số này tại VNPT là 13,5%.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng “khổng lồ”
Báo cáo tài chính của MobiFone và VNPT cũng cho thấy điểm chung của hai doanh nghiệp ngành viễn thông là lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng rất lớn.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của MobiFone đạt 29.182 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước là 15.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đang là 1.745 tỷ đồng. Lượng đầu tư tài chính ngắn hạn (thể hiện các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng) lên tới 11.678 tỷ đồng.
Tổng cộng khoản tiền mặt, tiền gửi sẵn sàng cho đầu tư của doanh nghiệp này đến cuối tháng 6 vào khoảng 13.423 tỷ đồng, tương đương 46% tổng tài sản của doanh nghiệp và xấp xỉ 89% vốn góp của chủ sở hữu ban đầu.
Số này thậm chí đã giảm gần 1.300 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn là số tiền mặt và tiền gửi lớn đối với một doanh nghiệp.
Lượng tiền gửi này giúp MobiFone thu về tới 418 tỷ đồng tiền lãi trong nửa năm qua, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2018.
Cả VNPT và MobiFone đều nằm trong danh sách doanh nghiệp phải cổ phần hóa chậm nhất đến hết năm 2020. |
VNPT cũng ghi nhận số tiền mặt và tiền gửi lớn. Tính đến cuối tháng 6, VNPT có tổng tài sản khoảng 93.550 tỷ đồng, giảm hơn 3.900 tỷ đồng (4%) so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 2.418 tỷ đồng, và đầu tư tài chính ngắn hạn (các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng) là 35.310 tỷ đồng.
Tổng cộng, khoản mục tiền mặt và tiền gửi hiện tại của VNPT cũng chiếm khoảng 40% tổng tài sản doanh nghiệp, và 56% vốn góp của chủ sở hữu.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ vừa qua của VNPT cũng đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Thực tế, trong các kỳ báo cáo trước đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tại MobiFone và VNPT đều lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Liên quan tới 2 doanh nghiệp viễn thông này, mới đây Thủ tướng đã ký quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2020.
Theo đó, có tổng cộng 93 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện cổ phần hóa chậm nhất đến hết năm 2020.
Trong đó, cả VNPT - công ty mẹ và MobiFone sẽ nằm trong danh mục doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Ngoài hai doanh nghiệp viễn thông trên, danh mục này còn 60 doanh nghiệp khác như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem); Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam -công ty mẹ (Vinachem); hay Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC)…