Thủ tướng vừa ký quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2020. Theo đó, có tổng cộng 93 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện cổ phần hóa chậm nhất đến hết năm 2020.
Trong danh mục lần này, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% vốn điều lệ bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ (TKV); Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1); và Công ty TNHH MTV Khoáng sản trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Còn tại danh mục doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ bao gồm 62 doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem); Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - công ty mẹ(VNPT); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam -công ty mẹ (Vinachem); hay Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC).
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp phải cổ phần hóa chậm nhất đến hết năm 2020. Ảnh: Nguyễn Tuyền. |
Tại danh mục 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không còn nắm giữ cổ phần nào cũng xuất hiện nhiều cái tên lớn như Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC trực thuộc Bộ Công Thương.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng cũng có một doanh nghiệp nằm trong danh sách này lần lượt gồm Công ty TNHH MTV Ứng dụng và Phát triển công nghệ - NEAD và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và cũng sẽ nằm trong danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa mà không yêu cầu Nhà nước phải còn vốn cổ phần nắm giữ.
Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC trực thuộc TP.HCM, doanh nghiệp được giao độc quyền sản xuất vàng miếng tại thị trường Việt Nam cũng sẽ nằm trong danh mục không giới hạn tỷ lệ sở hữu sau cổ phần hóa.
Tại quyết định này, Thủ tướng giao Bộ trưởng quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch. Đồng thời, xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí quy định.
Đối với những trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ phải báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi thực hiện cổ phần hóa.
Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 các cơ quan trên phải báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng theo nhiệm vụ được giao.