Trong thông báo mới nhất, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HoSE: NVL) là Công ty CP NovaGroup đã tiếp tục bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu NVL bởi công ty chứng khoán.
Cụ thể, NovaGroup cho biết đã bị công ty chứng khoán bán cầm cố hơn 60.401 cổ phiếu NVL vào ngày 1/12. Sau giao dịch, tổ chức này đã giảm sở hữu xuống còn hơn 403,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 20,7% vốn doanh nghiệp, vẫn giữ vị trí cổ đông lớn nhất tại Novaland.
Trước đó ít ngày, một cổ đông lớn khác của Novaland là Công ty CP Diamond Properties cũng đã bị công ty chứng khoán bán cầm cố 76.705 cổ phiếu NVL. Sau giao dịch, tổ chức này đã giảm sở hữu tại Novaland xuống còn 180,2 triệu cổ phiếu , tương ứng 9,24% vốn và vẫn là cổ đông lớn thứ 2 của Novaland.
Thực tế, 2 cổ đông kể trên chính là tổ chức có liên quan tới ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland. Trong đó, ông Nhơn đang là người quản lý Công ty Diamond Properties và NovaGroup. Đồng thời, bà Cao Thị Ngọc Sương (vợ ông Nhơn) đang là Chủ tịch HĐQT Diamond Properties.
Hai tổ chức liên quan đến Chủ tịch Bùi Thành Nhơn vẫn đang mất dần sở hữu cổ phiếu NVL do bị công ty chứng khoán bán giải chấp. Ở lần này, số lượng bán giải chấp đã ít hơn giai đoạn trước. Tới hiện tại, hai tổ chức liên quan đến ông Nhơn chỉ còn nắm giữ khoảng 834 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng 42,78% vốn Novaland.
Trước biến cố xảy ra khiến cổ phiếu NVL lao dốc vào tháng 10 năm ngoái, hai tổ chức này nắm giữ đến gần 1,19 tỷ cổ phiếu, tương ứng 60,85%. Như vậy chỉ sau hơn 1 năm, sở hữu của hai tổ chức này đã sụt giảm khoảng 352 triệu cổ phiếu, tương ứng mức giảm tỷ lệ tới 18,07%.
Cuối tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu NVL ghi nhận biến động mạnh khi có chuỗi 17 phiên giảm điểm liên tiếp, rớt một mạch từ vùng giá 70.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 20.450 đồng/cổ phiếu, tức giảm 70,8% thị giá.
Trong suốt 1 năm qua, giá cổ phiếu NVL vẫn chỉ chạy quanh mức 10.000-22.000 đồng/cổ phiếu và chưa có dấu hiệu quay trở lại thời kỳ đỉnh cao. Thậm chí, cổ phiếu NVL đã bị loại khỏi rổ chỉ số VN30. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (8/12), giá cổ phiếu NVL cũng chỉ ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu, giảm 75% so với mức cao điểm của năm trước.
Biến động giá cổ phiếu NVL trong 1 năm qua. Ảnh: TradingView. |
Bối cảnh cổ phiếu NVL tụt giá mạnh đã khiến các cổ đông lớn của doanh nghiệp này, tức hai tổ chức nêu trên liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu để cơ cấu nợ và phải chủ động bán bớt để cân đối danh mục đầu tư.
Nguyên nhân lớn nhất cho sự đi xuống của cổ phiếu NVL đến từ chính sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2022, Novaland đều đặn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng sang đến năm nay, dù doanh nghiệp báo lãi 137 tỷ đồng trong quý III gần nhất, nhưng hai quý đầu lại lỗ đậm do thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án còn vướng pháp lý.
Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận khoản lỗ 958 tỷ đồng.
Bên cạnh việc kinh doanh khó khăn, những khoản nợ vay lớn cũng đang khiến Novaland gặp khó.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Novaland cho thấy tổng nợ vay tài chính của tập đoàn này lên tới 205.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ ngắn hạn là hơn 88.100 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 117.000 tỷ đồng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.