Alexander Drueke và Andy Huynh, đến từ bang Alabama, được cho là những binh sĩ Mỹ đầu tiên bị quân Nga bắt giữ kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2. Hai người này hiện không phục vụ trong quân đội Mỹ.
Truyền hình nhà nước Nga RT hôm 17/6 phát đoạn video về hai cựu binh Mỹ mất tích khi chiến đấu ở Ukraine, xác nhận những người này đã bị bắt, làm dấy lên lo ngại về số phận của họ.
Việc bắt giữ hai binh lính Mỹ được cho là nhạy cảm về mặt ngoại giao, vì Điện Kremlin có thể coi đây là bằng chứng Mỹ có can dự vào xung đột. Do đó, Moscow sẽ yêu cầu nhượng bộ đáng kể để thả hai tù binh trên, theo Telegraph.
Một đồng đội của hai binh lính này nói với Telegraph rằng họ đã bị bắt sau khi đụng độ với quân đội Nga - vượt trội về quân số - vào ngày 16/6 tại làng Izbytske, tỉnh Kharkiv.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang làm việc để xác minh các báo cáo về vụ bắt giữ, cũng như vị trí hiện tại của hai binh lính Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhắc lại những cảnh báo người Mỹ không nên đến Ukraine vào lúc này. "Nếu bạn muốn ủng hộ Ukraine, có nhiều cách để làm điều đó an toàn và hiệu quả hơn".
Hai binh lính Mỹ bị bắt là ai?
Alexander Drueke, 39 tuổi, đến từ Tuscaloosa, bang Alabama, từng là trung sĩ thuộc quân đội Mỹ đóng tại Iraq sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.
Bà Lois, mẹ của Drueke, cho biết con trai mình là xạ thủ hàng đầu hỗ trợ các đoàn xe hộ tống những nhân vật quan trọng (VIP) đi đến Baghdad. Điều đó biến Drueke thành mục tiêu của các tay súng phe nổi dậy, khiến ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Alexander Drueke. Ảnh: Telegraph. |
Drueke phải chật vật để tìm việc sau khi xuất ngũ. Sau đó anh làm cảnh sát, nhưng cũng phải nghỉ khi căn bệnh PTSD thêm nghiêm trọng, bà Lois cho biết.
“Tôi đã lo lắng khi con trai tôi tới Ukraine, nhưng khi nó ở đó, lần đầu tiên sau nhiều năm tôi nhìn thấy nó hạnh phúc. Nó thích môi trường quân sự và nói rằng đã đem lòng yêu Ukraine”, bà Lois kể lại.
Trong khi đó, Andy Huynh, 27 tuổi, được sinh ra tại California và có cha mẹ là người Việt. Anh học ngành robotics tại Cao đẳng Cộng đồng Calhoun, bang Alabama. Andy Huynh có 4 năm phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng chưa có kinh nghiệm thực chiến.
Joy Black, hôn thê của Andy Huynh, cho biết Huynh đã nung nấu ý tưởng tham gia tình nguyện kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự”.
“Lúc đầu, tôi không thực sự nghĩ anh ấy nghiêm túc, nhưng khi anh ấy đọc những câu chuyện về những thanh niên trẻ phải chiến đấu khi đủ 18 tuổi, anh ấy nghĩ mình nên cố giúp đỡ”, Black nói.
Cô cho biết đã cố thuyết phục hôn phu của mình ở lại nhưng không thành. “Cuối cùng, anh ấy xin lỗi tôi và nói rằng mình phải đến đó (Ukraine)”.
Joy Black nhận cuộc gọi từ đồng đội của Huynh ngày 13/6 báo rằng anh đã mất tích.
“Tôi được bảo rằng họ (Drueke và Huynh) đã không đến điểm hẹn, trong khi máy bay không người lái tìm kiếm nhưng không phát hiện thấy dấu vết”, Black nói. “Anh ấy không nói gì về nhiệm vụ tuần trước vì không muốn làm tôi sợ. Tôi chỉ muốn anh ấy trở về an toàn”.
Andy Huynh. Ảnh: Telegraph. |
Sai sót trong tình báo
Một đồng đội giấu tên của Drueke và Huynh cho biết họ đang thực hiện nhiệm vụ và mọi thứ bỗng trở nên "điên rồ" do sai sót trong tình báo.
"Chúng tôi được nói thị trấn này trống không, nhưng quân đội Nga xuất hiện tại đây với 2 xe tăng T-72 và nhiều xe bọc thép chiến đấu BMP-3, cùng khoảng 100 binh lính. Phía chúng tôi chỉ có 10 người”, anh kể lại.
Cả đội đã lùi lại và bố trí phòng ngự, đặt mìn chống tăng, trong khi Drueke và Huynh cầm sẵn súng phóng lựu RPG-7.
"Mọi người đang ẩn nấp để chờ xe tăng trúng mìn, nhưng Alex và Andy đã thấy một chiếc BMP-3 đi từ hướng khác, băng qua khu rừng và nhận ra nó có thể hạ gục chúng tôi. Họ đã bắn và phá hủy chiếc xe đó trong phát đạn đầu tiên", người đồng đội này nói.
Tuy nhiên, điều đó đã thu hút sự chú ý của T-72, và hai chiếc xe tăng đã khai hỏa. Viên đạn có lẽ đã bắn trượt, nhưng vụ nổ đã đẩy văng họ ra xa, anh kể lại.
Ngay sau đó, một xe tăng đã trúng mìn, nhưng hai binh lính Mỹ đã biến mất trong cuộc giao tranh sau đó, có thể đã bị quân đội Nga bắt giữ.
Kênh truyền hình RT dẫn lời Drueke cho biết 2 cựu binh Mỹ đã tách khỏi những binh sĩ khác và băng qua rừng, sau đó bị một đội tuần tra Nga tiếp cận và bắt giữ tại một ngôi làng. Cả hai đang bị lực lượng ly khai thân Nga giam giữ ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine.
Người đồng đội của hai binh lính Mỹ cho biết đã dùng máy bay không người lái và đội tìm kiếm đến hiện trường, nhưng không phát hiện dấu vết của cả hai.
"Có thể Drueke và Huynh đã bị bất tỉnh sau vụ nổ từ đạn pháo xe tăng, hoặc khi xe tăng đi trúng mìn, vì nếu họ thiệt mạng do bị đạn bắn trúng, thi thể hay các thiết bị phải ở hiện trường", anh nói.
Người đồng đội này nói có thể phần nào xác nhận tình hình khi truyền hình Nga đăng tin hai binh lính Mỹ bị bắt gần Kharkiv. "Chúng tôi là những người Mỹ duy nhất chiến đấu ở khu vực này".