Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hai bức tranh trong màu nước đục

Hơn nửa đời người, bà Hồng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần gia đình chạy lũ. Thế nhưng, gánh nặng ấy đã không còn, kể từ khi căn nhà vượt lũ an toàn mới hoàn thiện. 

Những ngày đầu năm, trên những ruộng lúa, cánh đồng rau ở xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã bắt đầu phủ lên màu xanh non. Gần 4 tháng sau đợt lũ dữ hồi tháng 10/2020 với nhiều thiệt hại chẳng thể “cân đo, đong đếm”, nụ cười đã nở trên khuôn mặt người dân vùng rốn lũ dù còn lắm lo toan, bộn bề.

Sơn Thủy có 10 thôn với hơn 2.100 hộ dân. Vốn địa hình thấp, trũng, lại nằm cạnh 2 con sông Cẩm Lệ và Kiến Giang, phía sau là đầm Hạc Hải nên mỗi khi đến mùa mưa lũ, xã nghèo của huyện Lệ Thủy hoàn toàn bị chia cắt, cô lập. Đợt mưa lũ liên tiếp, kéo dài 2 tuần đã khiến người dân nơi đây kiệt quệ, toàn bộ tài sản bị dòng lũ đục ngầu nhấn chìm, cuốn trôi.

Giữa mênh mông sự mất mát, cảnh tượng tan hoang sau lũ là màu hồng của ngói, màu xanh của tấm tôn lạnh từ những căn nhà hai gác thuộc dự án xây nhà an toàn chống chịu bão, lụt. Đây trở thành nơi tránh trú cho người dân Quảng Bình, cũng là niềm mơ ước, hy vọng của nhiều hộ gia đình khi mùa mưa lũ về.

Bà Phan Thị Hồng ở thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, năm nay đã gần 60 tuổi. Hơn nửa đời người lăn lộn với vùng “rốn lũ”, bà không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần gia đình mình chạy lụt.

Căn nhà gỗ nhỏ, lợp ngói xiêu vẹo suốt mấy chục năm là nơi trú ẩn của bà cùng cô con gái ốm đau triền miên và đứa cháu trai khiếm thị. Cũng như nhiều ngôi nhà khác của người dân nơi đây, phía trên sát mái nhà bà Hồng có tầng gác được kết từ những tấm gỗ.

“Cái gác ấy họ gọi đó là tra, mưa lũ về là người hay tài sản gì cũng đưa lên đó, nước rút lại đưa xuống. Nếu nước ngập đến mái gác ấy thì coi như không còn gì, phải bỏ lại mà tháo ngói chạy lấy người thôi”, bà Hồng nói.

Người phụ nữ gần 60 tuổi còn nhớ những cơn lũ đến đột ngột lúc nửa đêm, bà cùng con cháu không kịp dọn thứ gì, chỉ biết dìu nhau lên mái nhà rồi nhìn dòng lũ dâng trong đêm tối.

Mọi đồ vật tích cóp bằng mồ hôi, nước mắt của họ cũng theo đó trôi theo dòng nước. Nếu cơn lũ rút chậm, có khi 3-5 ngày, họ chỉ còn biết đợi đồ ăn và nước uống từ các đoàn cứu trợ, thường là gói mì tôm, bịch lương khô… cho đến khi nước rút.

Năm này qua năm khác, bà quẩn quanh mãi trong cái nghèo tưởng như không bao giờ có thể dứt ra được.

Nhưng mọi thứ dần thay đổi khi niềm mơ ước về căn nhà cao ráo, có thể giúp bà và các con không còn cảnh chạy lũ giữa đêm, đã thành hiện thực.

Hồi tháng 8, dự án hỗ trợ xây nhà an toàn chống chịu bão, lụt do Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và UNDP đã được triển khai. Nhận được sự hỗ trợ, bà Hồng vay thêm người thân, ngân hàng và xây được căn nhà kiên cố.

Đứng bên căn nhà mới, bà nói đây là niềm vui lớn nhất của gia đình vì từ mùa lũ năm nay sẽ không còn phải trú trên mái nhà xiêu vẹo có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào.

Mùa lũ lịch sử năm nay, tầng 2 của ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt rộng chưa đầy 15 m2 không chỉ là nơi mẹ con bà trú ngụ, mà còn giúp gần 20 người dân thôn Vinh Quang tránh lũ.

“Ngày trước, cứ lũ về là lại lên gác mái nhà, khi nước đến đó thì chỉ biết kêu làng, kêu xóm. Năm nay lũ lớn, may sao có căn nhà, không còn phải ôm đàn gà mái, đồ đạc chạy lũ như trước nữa”, bà Hồng kể.

Cách đó hơn 20 km, vợ chồng bà Nguyễn Thị Duyên và ông Trần Ngọc Đào (84 tuổi, thôn Tân Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng có niềm vui tương tự khi căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã thành hình.

Nhóm thợ nề đang đổ mái bước lên tầng hai căn nhà cho cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn nhất nhì xóm. Niềm vui hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ đã ngoài 80, bà Duyên kể giữa năm 2020, gia đình bà được xét vào các hộ còn hoàn cảnh và điều kiện để xây nhà an toàn chống chịu bão, lụt.

Nhận được khoảng 50 triệu đồng ủng hộ xây nhà an toàn chống chịu bão, lụt từ dự án của Quỹ khí hậu xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và UNDP, đôi vợ chồng gom góp, vay mượn thêm để xây căn nhà kiên cố có gác cao.

“Mỗi khi lũ về, đỉnh điểm nước có thể dâng cao đến 4 m, đôi vợ chồng già chỉ biết kéo nhau leo lên sàn gỗ áp mái, ăn mì tôm chờ cứu trợ. Mùa lũ năm nay, chúng tôi đã có căn nhà mới này, sẽ không còn lo chạy lũ, hay thiếu cái ăn khi lũ về đột ngột”, bà bộc bạch.

Anh Trương Ngọc Khiêm - Chuyên gia tư vấn thuộc Ban quản lý dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” hợp phần 1 (Bộ Xây dựng) tại tỉnh Quảng Bình - cho biết dự án xây nhà an toàn chống chịu bão, lụt nhằm tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra cho người dân nghèo sinh sống ở vùng ven biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và kinh tế.

Qua các đợt bão lũ và đặc biệt đợt lũ lịch sử vừa qua, nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã phát huy tốt công năng, hiệu quả như tên gọi của nó.

“Mỗi căn nhà sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn. Chi phí cho mỗi căn nhà chỉ khoảng 60-65 triệu đồng. Quảng Bình hiện có 767 nhà đã được triển khai, trong đó, 693 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 74 nhà đang thi công...”, anh Khiêm chia sẻ.

Theo anh Khiêm, nhà an toàn chống chịu bão, lụt xây cho người dân được thiết kế 6 mẫu, các mẫu này được Sở Xây dựng Quảng Bình phê duyệt và Viện khoa học công nghệ thẩm tra. Diện tích tầng một từ 13 m2 đến 45 m2, tầng 2 là sàn tránh lũ tối thiểu 10 m2. Nhà an toàn chống chịu bão, lụt yêu cầu có móng cứng, khung và tường cứng, mái cứng.

Tuy nhiên, còn rất ít nhà được xây dựng cho người dân có nhu cầu vì vướng quy định về đối tượng được xét hỗ trợ. Anh Khiêm mong sẽ có thêm nhiều đối tượng được hưởng chính sách này và nhiều công trình nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng hơn nữa.

Trao đổi với Zing, ông Lê Vĩnh Thế - Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy - cho biết đợt lũ vừa qua khiến 26.000/38.000 hộ dân toàn huyện bị ngập, chủ yếu ngập sâu nhất ở các xã Lộc Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Sơn Thủy… Trong đó, xã Sơn Thủy được đánh giá là địa phương ngập sâu, khó tiếp cận nhất huyện vì sóng lớn, đánh mạnh. Ước tính thiệt hại do đợt lũ gây ra hơn 1.100 tỷ.

“Nhà an toàn chống chịu bão, lụt dù bất kỳ trong thời điểm nào cũng đều phát huy hiệu quả trong việc ứng cứu, tránh trú bão, lũ và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân sống chung với lũ. Chi phí cho mỗi nhà an toàn theo tiêu chuẩn khoảng 50-100 triệu đồng nên rất phù hợp xây dựng nhiều cho người dân”, Bí thư huyện Lệ Thủy nói.

Ông Thế nhấn mạnh nếu làm được điều này sẽ rất hiệu quả, khi lũ đến bà con có chỗ trú tránh, dự trữ lương thực, thực phẩm. Việc xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân trong việc ứng phó và sống chung với thiên tai.

lu lut o Quang Binh anh 3

Chia sẻ về dự án, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, UNDP tại Việt Nam nói rằng nhà an toàn chống chịu bão, lụt với chi phí thấp đã không bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, trận lụt vừa qua. Nhờ vậy, các gia đình sinh sống trong những căn nhà này có thể sử dụng nguồn lực khan hiếm của họ.

“Thay vì xây dựng lại ngôi nhà sau bão, lụt, họ có thể sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình cho các nhu cầu của gia đình cũng như các hoạt động sinh kế”, bà Caitlin Wiesen nói với Zing.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng hầu hết nhà được xây dựng theo chương trình này đều rất chắc chắn, vượt yêu cầu cho phép tiêu chuẩn.

Độc giả có thể chung tay xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân tại khu vực đang chịu ảnh hưởng thông qua dự án "Nhà an toàn - Sống an tâm". Để có thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập website: safeforpoor.undp.org.vn.

‘Bao giờ mới hết cảnh chạy lũ’

Không ít lần ông Lê nghĩ sẽ bỏ xứ, tìm vùng đất cao ráo để vợ con ông không còn chạy lũ. Nhưng, cái chốn quê hương đã níu chân ông bám trụ, sống chung với lũ hơn nửa đời người.

Phạm Trường - Phan Châu Giang

Đồ họa: An Du

Bạn có thể quan tâm