Trong khi sự chú ý của truyền thông và công chúng đổ dồn vào các bài phát biểu, lễ phục truyền thống và nghi lễ cổ, không mấy ai nhận ra rằng tại lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito hôm 22/10 còn có sự xuất hiện của nhiều cổ vật hoàng gia.
Được bọc vải và đựng trong hộp kín, hai cổ vật thiêng liêng của hoàng gia được đưa tới buổi lễ long trọng tại cung điện. Đây là hai cổ vật thần thánh mà có thể chính Nhật hoàng Naruhito cũng chưa được chiêm ngưỡng, theo CNN.
Hộp đựng cổ vật được đặt cạnh Nhật hoàng khi ông lên ngôi ngai vàng Hoa cúc hôm 22/10. Bên trong được cho chứa một thanh kiếm và một viên ngọc cổ mà theo truyền thuyết, chúng có nguồn gốc từ vị tiên tổ huyền thoại Jimmu - hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, người trị vì gần 2.700 năm trước.
Cùng với chiếc gương bát giác huyền thoại (không xuất hiện tại lễ đăng quang), đây là ba biểu tượng hoàng gia của Nhật hoàng, hay còn gọi là Tam Bảo.
Hai hộp được cho chứa bảo vật hoàng gia được đưa tới lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito hôm 22/10. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Bí ẩn chưa được kiểm chứng
Do không có vương miện, những bảo vật này đóng vai trò như biểu tượng của hoàng đế. Tuy nhiên, các cổ vật này không được công khai cho công chúng và vẫn còn là bí ẩn, theo Mickey Adolphson, giáo sư nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Cambridge.
"Việc không công khai những bảo vật như vậy phần nào làm tăng thêm sự huyền bí", ông Adolphson nói và cho biết thêm theo đạo Shinto (Thần Đạo), những biểu tượng này được "bảo vệ đặc biệt". "Nếu mọi người đều thấy chúng, chúng sẽ không còn quyền lực như hiện tại".
"Tất nhiên nhiều nhà sử học muốn phân tích kỹ hơn những cổ vật này... nhưng hiện tại ở Nhật Bản mọi người không muốn làm mất đi tính thần thoại của những bảo vật này, và tôi cũng không hy vọng điều đó xảy ra trong tương lai gần", ông nói thêm.
Ngay cả nơi cất giữ cổ vật cũng không được công khai cho công chúng. Người ta tin rằng thanh kiếm và chiếc gương được cất giữ tại đền thờ ở Nagoya và Ise. Viên ngọc được cho là được cất giữ tại cung điện ở Tokyo, nơi diễn ra lễ đăng quan của Nhật hoàng hôm 22/10.
Tuy nhiên, do không có bằng chứng xác thực nên không rõ hai bảo vật này có thực sự xuất hiện tại lễ đăng quang hay không. Thậm chí, sự tồn tại của các bảo vật cũng không được kiểm chứng, theo Michael Cucek, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Nhật Bản.
"Chúng tôi nhìn thấy vài chiếc hộp và được các nhân viên của cung điện mang đi. Nhưng trong đó có gì thì không ai biết", ông Cucek nói.
Cả Cơ quan Nội chính Hoàng gia và Văn phòng Nội các Nhật Bản đều cho biết không thể cung cấp thêm thông tin gì về những cổ vật này.
Nguồn gốc thần thánh của bảo vật
Ghi chép lịch sử đầu tiên về Tam Bảo có từ thời trung cổ, tuy nhiên thần thoại về chúng còn xuất hiện trước đó.
Truyền thuyết kể lại rằng nữ thần Mặt Trời trong đạo Shinto là Amaterasu đã trao những bảo vật này cho cháu trai Ninigi, khi ông từ trên trời xuống để mang lại hòa bình cho Nhật Bản.
Một bức tranh kể lại truyền thuyết về nữ thần Amaterasu và ba bảo vật hoàng gia. Ảnh: Toyohara Chikanobu. |
Thanh kiếm, gương và ngọc được cho là đại diện cho ba yếu tố cần thiết để cai trị Trái Đất: lòng can đảm, trí tuệ và lòng nhân từ.
Ninigi được coi là tổ tiên của hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Jimmu, người trị vì chính thức có niên đại từ năm 660 trước Công nguyên. Từ đó, hậu duệ của dòng dõi này truyền ngôi để cai trị Nhật Bản cho tới ngày nay.
Các bảo vật được cho là đã truyền qua nhiều đời Nhật hoàng và chính thức được thừa kế bởi Nhật hoàng Naruhito sau khi vua cha thoái vị vào tháng 5 vừa qua.
Các vật phẩm này không hợp pháp hóa việc hoàng đế đăng cơ, mà chỉ mang tính tượng trưng cho sự tiếp nối của dòng dõi hoàng gia.
Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng chiếc gương bát giác đã bị hư hại hay thậm chí bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn ở thế kỷ 11. Một vài mảnh vỡ còn lại được lưu giữ ở đền thờ lớn Ise. Tương tự, có ý kiến cho rằng viên ngọc và thanh kiếm đã bị mất trên biển trong trận chiến vào thế kỷ 12.
Xuất xứ từ nước ngoài?
Ngày nay, những bảo vật này có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là thần thánh. Bởi sau Thế chiến II, ông nội của Nhật hoàng Naruhito là Nhật hoàng Hirohito bị buộc phải từ bỏ tuyên bố rằng các Nhật hoàng là hậu duệ trực tiếp của nữ thần Amaterasu.
Một số chuyên gia tin rằng những bảo vật này thậm chí có thể không có nguồn gốc từ Nhật Bản mà là "đồ từ nước khác".
"Chiếc gương có thể có xuất xứ từ thời nhà Hán ở Trung Quốc. Thanh kiếm dù bằng đồng hay sắt cũng là từ nước ngoài, bởi tại thời điểm đó Nhật Bản chưa sản xuất được kim loại", ông Cucek nói.
Hai gói được cho chứa viên ngọc và thanh gươm thần thánh tại buổi lễ truyền ngôi Nhật hoàng vào tháng 5. Ảnh: Kyodo News. |
"Còn viên ngọc có hình dạng giống 'magatama' (một hạt cườm của Nhật Bản thời tiền sử). Vương miện của nhà vua và hoàng hậu ở Triều Tiên thời kỳ năm 57 trước Công nguyên cũng được trang trí bằng những hạt như vậy", ông nói thêm.
Giáo sư Adolphson cho rằng tại thời điểm đó, "giá trị của các cổ vật này nằm ở công nghệ chế tác và tính quý hiếm. Tính biểu tượng là điều sau này mới có", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong lễ đăng quang hôm 22/10 còn có sự xuất hiện của hai dấu triện hoàng gia: Ấn triện được khắc chữ "ấn hoàng gia" và "hoàng đế" cùng biểu tượng hoa cúc đại diện cho hoàng gia.
Khác với Tam Bảo, những ấn triện này có mục đích thiết thực hơn, được sử dụng để phê chuẩn luật pháp, hiện ước và nhiều tài liệu khác.
Tuy nhiên, chính ba cổ vật bí ẩn mới là thứ gây tò mò cho công chúng. Thật vậy, cụm từ "Ba báu vật thiêng liêng" đã được phổ cập trong ngôn ngữ của đời sống hiện đại, dùng để mô tả những thứ đáng thèm muốn thời kỳ hậu chiến tranh như máy giặt, tủ lạnh và tivi hoặc mạng 5G, trí tuệ nhân tạo ngày nay.
"Theo một cách nào đó, đây là sự dân chủ hóa về mặt khái niệm của ba bảo vật", giáo sư Adolphson nói.