Trong đợt phản công bất ngờ, binh sĩ Ukraine tiến về phía đông, kiểm soát được Balakliya hôm 8/9. Họ tiếp tục hướng về Izyum và Kupyansk, hai khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong nhiều tháng, theo Washington Post.
Tới ngày 11/9, lực lượng Nga rút lui, để lại gần 3.000 km2 vào tay Ukraine, theo Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny. Theo RT, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận đây là động thái rút lui cần thiết để “tái tập hợp” binh sĩ.
Tình hình tính tới ngày 11/9. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ). Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Quốc Đạt. |
RT dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã chịu thương vong 12.000 người trong giai đoạn 6-10/9. Con số này chưa thể được xác thực độc lập. Lực lượng Nga cũng đã có các đòn “công kích chính xác” bằng tên lửa và pháo binh tại Kharkiv.
Trong 5 ngày qua, phía Ukraine đã tái chiếm phần diện tích lớn hơn khu vực Nga kiểm soát được từ tháng 4, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ).
Nguyên nhân đằng sau bước tiến công này một phần là do sự khéo léo trong chiến thuật truyền thông, ông Joel Hickman, Phó giám đốc chương trình An ninh và Phòng ngự Xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, nói.
Ukraine nói họ dự định nhắm vào tỉnh Kherson do Nga kiểm soát ở miền Nam nước này, ông Hickman nói. Để ứng phó, Nga đã tái cơ động trang bị và viện binh về miền Nam.
Tình hình tính tới ngày 11/9. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ). Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Quốc Đạt. |
“Họ đã thu hút được phía Nga rời khỏi các khu vực phía Bắc”, ông Hickman nói.
Việc Ukraine tái chiếm hai thành phố lớn có thể tác động vào tuyến đường tiếp tế của Nga trong khu vực. Tuyến đường sắt chạy qua Kupyansk được dùng để tiếp tế cho lực lượng của Moscow ở tỉnh Donetsk, còn Izyum cũng là một mắt xích quan trọng nối vùng Donbas.
Tuy tình hình có sự biến chuyển, giới phân tích cho rằng diễn biến này không đánh dấu thay đổi lớn vì việc kiểm soát lãnh thổ sẽ gặp thách thức lớn. Lúc này, Nga vẫn kiểm soát một phần lớn lãnh thổ của Ukraine. Moscow cũng có nhiều trang thiết bị uy lực hơn.