"Ngày tôi trở lại, nhiều bạn bè hỏi: Mày gần 40 tuổi, có tất cả rồi, đá nữa để bọn trẻ cười à?”, cầu thủ Việt già nhất V.League Phùng Văn Nhiên bật cười kể lại.
Cuộc đời bóng đá của tôi tính tới hôm nay cũng được khoảng 20 năm thi đấu chuyên nghiệp. Chưa bao giờ tôi rơi nước mắt, cho đến ngày được thấy đội Nam Định trụ hạng mùa 2020.
Lúc nhận thẻ đỏ ở trận gặp Quảng Nam, tôi lo lắm. Tôi hiểu mình sẽ không được đá trận “chung kết” với Hải Phòng. Tôi muốn đá không chỉ bởi Hải Phòng là đội bóng cũ của mình, vì Nam Định đang gặp khó khăn. Tôi muốn ra sân, chiến đấu cho suất trụ hạng của CLB. Càng những trận như thế, mình càng muốn đá dù đối thủ là ai.
Tôi đã trở lại, cố gắng, thi đấu suốt một quá trình. Đúng tới trận căng thẳng nhất, tôi phải vắng mặt, buồn lắm, buồn lắm chứ. Tôi ngồi ngoài đó, nhìn đồng đội trong sân mà sốt ruột vô cùng.
Bởi thế khi Nam Định trụ hạng trên sân Vinh, tôi khóc, lần đầu sau 20 năm.
Tôi đã giải nghệ từ năm 2017.
Hai năm rưỡi xa bóng đá đỉnh cao, tuổi gần 40, không nhiều người trở lại được đâu, nhưng tôi nhớ bóng đá quá.
Những hôm ở nhà một mình, tôi nhớ. Những hôm xem đội thi đấu ở Thiên Trường, tôi nhớ. Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn nhớ. Tôi gọi điện xin anh Sỹ (HLV Nguyễn Văn Sỹ). “Anh ơi, anh cho em thử việc, nếu anh cần thì cho em chơi lại”, tôi khẩn khoản.
Anh Sỹ đồng ý.
Hai năm xa bóng đá, tôi vẫn chơi phủi, duy trì những bài tập cơ bản. Chơi bóng thường xuyên cộng thêm lối sống lành mạnh giúp tôi giữ được thể trạng tốt hơn mọi người. Ngay trận đầu với CLB TP.HCM (vòng 12 giai đoạn một V.League 2020), tôi đã đạt 70-80% phong độ. Tôi tự tin chơi ổn, bắt được nhịp trận đấu. Lượt về năm ngoái, đội đá 5 trận thì tôi chơi 3 trận, đó là tính cả trận Hải Phòng phải nghỉ vì thẻ đỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều ổn.
"Ngày tôi trở lại, bạn bè cùng lứa bảo: Mày đã có tất cả rồi, mày đá làm gì nữa? Đá nữa để người ta bảo mày lấy chỗ bọn trẻ, để bọn nó nghĩ mày thế nọ thế kia à?”
Họ nói làm tôi nghĩ nhiều lắm.
Nhưng tôi tin nếu cầu thủ trẻ nào nghĩ vậy, có phải họ đang tự đào thải khỏi CLB? Để một ông già như tôi trở về và lấy mất vị trí là do họ kém phải không? Tôi cho rằng ở một góc độ khác, tôi trở về sẽ tạo thêm động lực cho các em. Chính anh Sỹ cũng nói tôi về để làm gương cho cầu thủ trẻ, rằng anh Nhiên lớn tuổi thế này vẫn đá được, các em có ngại gì mà không cố gắng?
Đi và quan sát nhiều giúp tôi nghiệm ra không ít. Tôi thấy lớp trẻ ngày nay dễ mất tập trung bởi nhiều thứ ngoài xã hội. Nghề cầu thủ có 5-7 năm đỉnh cao. Nếu không nỗ lực, cầu thủ chỉ đá được vài năm rồi nghỉ. Nghỉ rồi thì biết làm gì? Tôi thấy nhiều em đi tập chỉ vật vờ. Tôi bảo các em vẫn phải đi tập, bỏ ra ngần ấy thời gian, sao các em không cố gắng hơn?
Mức thu nhập của cầu thủ phản ánh đúng năng lực từng người. Nếu các em thể hiện tốt, đội bóng ghi nhận và ký hợp đồng tốt cho em. Nếu đội nói không, em đi đội khác, cũng có quyền đòi hỏi. Tôi thường bảo các em làm gì thì làm, đừng để mình ân hận, đừng để một ngày phải nói câu giá như.
Tôi biết điều đó. Vì chính tôi từng nỗ lực hết mình và nhận được những điều xứng đáng.
Tôi đã nhận được những điều tốt đẹp từ bầu Đức.
Năm 2007, khi tuyển Việt Nam đang tập trung cho Asian Cup và vòng loại World Cup, tôi trở về Thiên Trường và có dịp gặp bầu Đức. Chú đến sân để gặp trực tiếp tôi. Chú hỏi tôi có muốn về chơi cho HAGL. Trước đó, Phạm Ngọc Tú và Vũ Duy Hoàng cùng lứa với tôi đã đi Gia Lai trước. Họ có “phím” với bầu Đức về tôi.
Mọi thứ diễn ra khá nhanh. Tôi không phải bận tâm nhiều về chuyện lương, lót tay, cũng không cần quan tâm cầu thủ khác nhận được bao nhiêu ở HAGL. Tại đó, mọi thứ đều tốt hơn ở Nam Định.
Tôi ở HAGL 7 năm, đã chứng kiến nhiều thăng trầm, thịnh suy. Tuy nhiên, tôi không dám nói tới khái niệm thành công. Những ngày tươi đẹp nhất của HAGL có lẽ là khi bầu Đức mới làm bóng đá. Đến thời của tôi, nhiều đội V.League đều đầu tư lớn. HAGL từng có lúc rất mạnh với Lee Nguyễn hay Datsakorn Thonglao. Nhưng nhiều lúc, chúng tôi vẫn đá chật vật.
Mọi người vẫn bảo HAGL ngày ấy không vô địch vì có nhiều chuyện hậu trường, nhưng tôi không bao giờ quan tâm những chuyện đó. Tôi chỉ tập trung cho chuyên môn, làm tốt cho mình và tập thể. Tôi không phải người Gia Lai bản địa, cũng không thi đấu ở những vị trí quan trọng tại trục giữa, nhưng tôi vẫn được trao băng đội trưởng HAGL thời kỳ này. Tôi nghĩ họ đã nhìn thấy cách tập luyện chuyên nghiệp, họ cần một tấm gương. Đó là lý do họ chọn tôi làm thủ quân.
Nhớ về HAGL thì không thể quên được bầu Đức.
7 năm tôi ở đó, tôi không thấy một lần chú trách móc, quát tháo, chỉ bảo mọi người phải đá thế nọ, thế kia, tại sao không làm thế này, thế khác? Chú ở ngoài cứng rắn, dữ dội thế nào, tôi không rõ. Nhưng với đội bóng, chú cực kỳ tình cảm. Điều làm chúng tôi cảm phục nhất là dù công việc kinh doanh bận rộn ra sao, dù đội đá bết bát thế nào, chú vẫn thường xuyên tới động viên chúng tôi, động viên thật sự. Đội thua, chú cũng không to tiếng đâu. Chú chỉ bảo mọi người cố gắng lên.
Tôi nhớ chú thường nói: “Bóng đá làm nên thương hiệu cho tao. Các em, các cháu cố mà đá tốt, còn lấy lúa của tao”.
Bầu Đức không bao giờ có ý định bỏ tôi.
Ngày đôn lứa I Học viện HAGL JMG lên V.League, chú Đức đang ở nước ngoài, vẫn gọi điện thẳng về cho tôi. “Bây giờ chú không dùng mày nữa, mày có thể ở lại làm huấn luyện hay bất cứ công việc gì cho chú, chú bố trí được hết”, chú bảo.
Tuy nhiên, tôi còn muốn chơi bóng, rất muốn đá, muốn cống hiến trọn đời cho HAGL. Dù vậy, tôi hiểu cách làm của CLB. Mọi người đều bảo đôn các em lên thì các em phải được đá. Bởi thế, tôi điện lại, xin phép chú cho mình được tìm bến đỗ mới. Tôi muốn gặp chú trực tiếp để cảm ơn ân tình, cảm ơn những năm tháng chú đã cưu mang mình.
Tôi không nặng nề chuyện rời HAGL. Bởi trong thâm tâm, tôi mang nặng tình nghĩa với đội bóng, bầu Đức.
Chú Đức là người cực kỳ tâm huyết với bóng đá, nhưng người đã tư vấn cho chú thì không tốt.
Rời Gia Lai, tôi về Hải Phòng.
Những gì tôi nhớ nhất tại đất cảng cũng là điều tôi nuối tiếc nhất suốt sự nghiệp của mình. Chưa bao giờ, tôi ở gần chức vô địch đến thế cho tới khi chơi tại Hải Phòng.
Chúng tôi đã đua vô địch với CLB Hà Nội của những Văn Quyết, Quang Hải, Thành Lương tới vòng cuối cùng mùa bóng 2016. Hai đội cùng có 50 điểm, nhưng Hải Phòng thua hiệu số. Chúng tôi đã ở gần chiếc cúp nhưng vẫn để nó tuột khỏi tầm tay.
Trận cuối, CLB Hải Phòng gặp SLNA, còn Hà Nội gặp Thanh Hóa. Tôi có cảm giác không thể vô địch nổi, đá thế nào cũng không được. Vì chúng tôi cứ ghi bàn ở sân này, thì đội Hà Nội ở sân kia cũng vượt lên.
Đời cầu thủ, ai chẳng muốn một lần được đứng trên đỉnh cao V.League. Nhưng duyên của mình và CLB Hải Phòng năm ấy có lẽ chỉ đến thế. Sự nghiệp của tôi chỉ có một chiếc Cúp Quốc gia năm 2007 cùng Nam Định.
Bởi vậy nên năm ngoái, nghe tin đội Viettel vô địch, tôi vui lắm. Anh Hoàng (Trương Việt Hoàng) đã làm được điều mà chúng tôi không cùng nhau làm được tại Hải Phòng.
Nhưng tôi không gọi điện cho anh Hoàng, cũng không nhắn tin chúc mừng. Tôi không phải kiểu người thấy bạn bè vô địch rồi tát nước theo mưa. Tôi nghĩ quan trọng là chúng ta sống với nhau ngoài đời thế nào. Thâm tâm tôi mừng cho anh ấy.
Tôi không phải người sống với những hoài niệm.
Mọi người hay khen tôi vì trận đấu với Thái Lan ở King’s Cup 2006. Tôi thì chẳng nhớ gì, chỉ nhớ mình đá chính trận đó, chơi ở biên trái.
Ngày chia tay HAGL, tôi bán hết đất đai, bán rẫy cà phê và hồ tiêu mình gây dựng ở đó.
Ngày trở về Nam Định, bạn bè bảo sao tôi không tận dụng tên tuổi, mở một nhà hàng như nhiều anh em vẫn làm. Tôi cười bảo: “Ngu gì, nhậu nhẹt dễ chết sớm”. Tôi chỉ mở một quán cà phê nhỏ.
Quán cà phê của tôi ở Nam Định chẳng có dấu vết gì của bóng đá. Vợ nói mãi, tôi mới lựa một bức để lên tường. Tôi chọn tấm đội hình tuyển Việt Nam giao hữu với Arsenal hồi năm 2013. Tôi là một trong những người đá chính.
Cũng bởi mấy cái quán, tôi hay bị trêu rằng không vướng bận gì kinh tế nên mới thoải mái đá bóng ở tuổi này. Họ nói đúng đấy, nhưng chưa đủ. Tôi trở lại vì tôi vẫn thèm đá bóng, như ngày còn trai trẻ, như ngày tôi từ chối làm HLV ở Gia Lai để được tiếp tục chơi bóng.
Bạn phải đứng trên thảm cỏ sân Thiên Trường, phải lắng nghe tiếng trống, nghe tiếng cổ động viên thành Nam, bạn mới hiểu tôi thèm điều đó thế nào. Người hâm mộ Nam Định kỳ lạ lắm. Những nơi khác, đội thắng, đua vô địch, cổ động viên mới tới sân. Còn nơi này, đội càng thua, cổ động viên càng đến đông. Người ở đây xem bóng đá bằng tình yêu chân thật, chẳng cần điều kiện nào.
Tôi biết nhiều đội hạng Nhất cũng mạnh, cũng được đầu tư. Họ thích những cầu thủ kinh nghiệm như tôi về bảo ban các em. Nhưng họ có hỏi, tôi cũng không đi đâu. Tôi trở lại không phải vì những điều đó.
Ngày còn trẻ, mình cứ mải miết đi. Khi con trai chào đời, tôi không có nhiều thời gian cho nó. Bây giờ, tôi có thêm hai nàng công chúa (Văn Nhiên mỉm cười, nhìn về góc phòng, nơi hai cô bé đang đùa nghịch cùng nhau - PV). Tôi muốn được ở lại quê hương mình, muốn được nhìn thấy chúng nó lớn lên.
Tôi không đi đâu nữa. Vì tôi đang ở nhà rồi.