Việc khai thác hình ảnh của cầu thủ Việt Nam trở nên nóng với vụ việc của Bùi Tiến Dũng. Mới đây một công ty truyền thông đã báo giá “nghìn USD” khi thủ môn U23 Việt Nam tham dự các sự kiện hay làm đại diện hình ảnh cho một nhãn hàng nào đó. CLB chủ quản Thanh Hóa phản ứng khi khẳng định quyền quản lý hình ảnh cầu thủ phải thuộc về họ.
HAGL định hướng cho cầu thủ chọn nhãn hàng
Thực chất, vấn đề này không mới và HAGL đã tìm ra phương án rất ổn thỏa để đảm bảo quyền lợi của cầu thủ cũng như CLB. “Từ cuối năm 2013, nhiều cầu thủ HAGL ở đội U23 Việt Nam hiện tại bắt đầu ra mắt người hâm mộ và được nhiều người quan tâm, theo dõi. Nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp mời họ làm đại diện hình ảnh. Chúng tôi rất vui vì điều đó nhưng cũng tư vấn cho các em để lựa chọn nơi hợp tác phù hợp với định hướng hoạt động của CLB”, ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn CLB HAGL cho biết.
Lợi ích của cầu thủ phải đi đôi với quyền lợi của CLB. Đó là phương châm làm việc của CLB HAGL trong việc khai thác hình ảnh cầu thủ. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Theo ông Tấn Anh, cầu thủ thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Do đó, việc tham gia quảng cáo hay tham dự một sự kiện nào phù hợp với công việc mình đang làm rất quan trọng. Đồng thời nó cũng dính dáng trực tiếp đến hình ảnh cũng như hoạt động của đội bóng. Nếu hình ảnh quảng cáo phản cảm, chắc chắn HAGL sẽ không cho phép.
“Chúng tôi nói chuyện với cầu thủ để họ hiểu rằng, bóng đá là môn chơi tập thể. Thành công của họ hiện tại có đóng góp rất lớn của các đồng đội, HLV phía sau. Do đó khi nhận một hợp đồng hay đi sự kiện nào, họ cũng phải xem có ảnh hưởng đến việc tập luyện, thi đấu của đội hay không. Ngoài ra, họ cũng phải san sẻ quyền lợi với đội bóng. Và chúng tôi sẽ dùng khoản này để đầu tư cho bóng đá trẻ”, ông Tấn Anh tiếp lời.
Trưởng đoàn CLB HAGL nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải đảm bảo hài hòa về lợi ích của đội bóng và cầu thủ. Những "ngôi sao" như Công Phượng, Văn Toàn hay Tuấn Anh, Xuân Trường… đều rất vui vẻ với đề nghị của đội bóng. Ngoài ra, họ cũng chuyên tâm tập luyện, giữ gìn phong độ để tạo nên hình ảnh đẹp đối với công chúng, đối tác.
Cầu thủ HAGL không sợ thiệt
Trước khi Bùi Tiến Dũng nổi lên, Công Phượng mới là cầu thủ có lượng fan lớn nhất trên mạng xã hội. Anh liên tục được các nhãn hàng danh tiếng mời đóng quảng cáo. Tùy theo giá trị hợp đồng, tiền đạo của HAGL có thể nhận từ 50% đến 70% tổng số tiền. Phần còn lại thuộc về CLB.
Thành công cùng đội U23 Việt Nam giúp những cầu thủ như Văn Thanh được nhiều người biết đến hơn. Ảnh: AFC. |
Hay như Văn Toàn - một trong những thành viên quan trọng nhất của HAGL, năm ngoái, anh được một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản mời đóng quảng cáo với giá trị lên đến vài trăm triệu đồng. Một phần số tiền được chuyển lại cho CLB bởi Văn Toàn hiểu rằng nếu HLV trưởng không tạo điều kiện quay TVC hay chụp ảnh, hợp đồng sẽ không suôn sẻ.
Bản thân các cầu thủ này cũng được hưởng lợi từ CLB. Chẳng hạn năm 2017, đội bóng của bầu Đức có một nhà tài trợ mới. Ngoài gói tài trợ chung với HAGL, đối tác này cũng bắt tay với một số gương mặt nổi bật của đội như Văn Thanh, Văn Toàn, Minh Vương, Tuấn Anh… để quảng bá hình ảnh hoặc tham gia các sự kiện lớn trong năm.
Sau thành công của U23 Việt Nam, giá trị hình ảnh của các thành viên HAGL tăng lên đáng kể. Fanpage của Công Phượng có thêm vài trăm nghìn follow (người theo dõi). Một số cầu thủ khác như Văn Thanh, Xuân Thành… được Facebook cấp dấu xác thực (tick xanh) để tránh tình trạng giả mạo, gây hiểu lầm cho người hâm mộ.
Đây là tiền đề giúp họ có thể kiếm thêm thu nhập từ việc khai thác hình ảnh, bên cạnh tiền lương, thưởng trong thi đấu. Cách giải quyết của HAGL có thể là phương án để các đội bóng khác tham khảo, tránh những mâu thuẫn không đáng có giữa CLB và cầu thủ.