Tôi mới bị mất tài khoản Facebook. Hacker đã thay đổi mật khẩu, các phương thức bảo mật dự phòng và bắt đầu có hành vi lợi dụng tài khoản của tôi để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hiện tôi thấy tình trạng tài khoản Facebook bị hack rất nhiều, chẳng nhẽ không có hình phạt nào cho hành vi trên?
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội
Hiện nay, tình trạng các tài khoản xã hội như Facebook bị chiếm quyền kiểm soát (hay còn bị là bị hack) đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là với những người nổi tiếng.
Luật An ninh mạng đã quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Vì vậy, các hacker với nhiều mục đích, động cơ chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook khác nhau sẽ phải nhận những mức xử phạt tương ứng, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020 về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, các hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu... của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Còn khi bị hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook để thay đổi, xóa bỏ, thu thập thông tin... sẽ bị phạt hành chính tối đa 50 triệu đồng.
Trong trường hợp hacker đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trên nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam.
Đối với những hacker lần đầu phạm tội nhưng với mục đích thu lợi bất chính có giá trị lớn hoặc gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của người khác vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt nặng nhất là 7 năm tù.