Duma Quốc gia, tức hạ viện Nga, hôm 11/3 thông qua các đề xuất sửa đổi hiến pháp qua đó cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tranh cử sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp, việc bị cấm theo hiến pháp hiện tại.
Duma Quốc gia với 450 ghế đã thông qua các đề xuất trong lần đọc thứ ba và cũng là lần đọc cuối cùng đối với dự thảo sửa đổi hiến pháp, với 383 phiếu thuận. Không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống, nhưng 43 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 24 người vắng mặt, theo Reuters.
Tổng thống Nga xuất hiện tại Duma Quốc gia Nga hôm 10/3. Ảnh: Reuters. |
Ông Putin, 67 tuổi, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất sửa đổi hiến pháp khi xuất hiện bất ngờ tại hạ viện một ngày trước đó.
Hồi tháng 1, ông từng gây bất ngờ khi cho bãi miễn toàn bộ nội các của đồng minh chính trị lâu năm, Thủ tướng Dmitry Medvedev. Việc này gây ra nhiều đồn đoán về ý định của ông Putin cho năm 2024, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ hiện tại, nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 liên tiếp và thứ 4 kể từ lần đầu ông ngồi vào ghế này năm 2000.
Ông Putin đã đệ trình một số đề xuất sửa đổi hiến pháp hồi tháng 1, và sau đó nhiều lần phủ nhận rằng những sửa đổi này cho phép ông tiếp tục nắm quyền trong tương lai. Tuy nhiên hôm 10/3, một nghị sĩ đã đề nghị hoặc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc ít nhất "trả về không" đối với số nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Putin
Trong lần đọc thứ hai dự thảo sửa đổi hiến pháp tại Duma Quốc gia, bà Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, nay là nghị sĩ đảng Nước Nga Thống Nhất, đã công khai nêu quan điểm rằng "để tổng thống đương nhiệm tiếp tục cầm quyền là yếu tố duy trì ổn định cho xã hội".
Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin nhanh chóng nói họ ủng hộ đề xuất và Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói ông sẽ mời ông Putin đến tham vấn. Không lâu sau đó, tổng thống Nga đích thân có mặt tại hạ viện, theo ABC.
Nghị sĩ Valentina Tereshkova. Ảnh: Reuters. |
Ông Putin nói ông không ủng hộ việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, nhưng không phản đối đề xuất "trả về không" số nhiệm kỳ của ông, cho phép ông tiếp tục tranh cử.
"Việc đó (tái tranh cử) có thể xảy ra... nếu tòa án hiến pháp khẳng định rằng sự thay đổi này không đi ngược (hiến pháp)", ông nói.
Đề xuất "trả về không" có nghĩa là "gỡ bỏ hạn chế với bất cứ người nào, bất kỳ công dân nào, bao gồm tổng thống hiện tại, cho phép họ tham gia vào các cuộc bầu cử trong tương lai, tất nhiên là các cuộc bầu cử mở và cạnh tranh", ông Putin phát biểu trước các nghị sĩ, theo BBC.
Cũng theo ông, việc sửa đổi hiến pháp "đã bị trì hoãn quá lâu, chúng cần thiết và tôi chắc chắn là chúng sẽ hữu ích cho xã hội, cho người dân chúng ta". Ông nói nước Nga cần sự thay đổi to lớn "vì chúng ta đã có đủ các cuộc cách mạng", đồng thời ngụ ý rằng đất nước có thể chưa sẵn sàng cho một nhà lãnh đạo mới.
Các nghị sĩ vỗ tay tán thưởng bài phát biểu của ông Putin và sau đó thông qua đề xuất "trả về không" này.
Các đề xuất sửa đổi hiến pháp giờ đây sẽ được xem xét bởi các cơ quan khác trong nhánh lập pháp của Nga, bao gồm thượng viện, trong ngày 11/3. Dự kiến không có phản đối nào được đưa ra.
Nếu tòa án hiến pháp đồng ý với dự thảo sửa đổi hiến pháp và dự thảo được ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 4, ông Putin có thể tiếp tục phục vụ thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa.
Một số sửa đổi khác bao gồm đảm bảo lương hưu và lương tối thiểu, cho quốc hội thêm quyền đề cử người đứng đầu chính phủ. Dự thảo cũng cho tổng thống thêm quyền bãi nhiệm thẩm phán ở các tòa cấp cao và bác bỏ luật được quốc hội thông qua.