Hà Trần: 'Khó có thể chê chồng!'
“Nghệ sĩ như một cái giếng, dù nhiều nước nhưng cứ múc mãi rồi sẽ cạn. Vì thế, quan điểm của tôi là không nên “múc” nhiều, ở Việt Nam không hát nhiều và ở bên Mỹ tôi cũng chọn chương trình hợp mới hát” - Trần Thu Hà chia sẻ trong dịp về quê hương tham gia chương trình “Mùa đông concert”.
- Những lần trước về Việt Nam, Hà Trần thường chỉ hát trong show của mình. Lần này tham gia chương trình "Mùa đông concert", chị hát cùng Mỹ Linh, Bằng Kiều..., đứng trên sân khấu cùng những người bạn cũ hẳn tâm trạng sẽ rất khác?
- Lúc còn nhỏ, Mỹ Linh hay đến nhà tôi chơi. Mỗi khi đi thi, Linh cũng bảo tôi nghe thử bài hát này thế nào, bài kia ra sao. Cô ấy tin vào tôi, mặc dù lúc đó về ca hát, tôi chưa bằng Linh. Lâu lâu chúng tôi lại tâm sự với nhau chuyện tình cảm.
Tôi và Linh chơi thân vì quý tài nhau. Mỹ Linh hát rất hay, tôi xem cô ấy là đối tượng để học hỏi. Ngoài Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung cũng là những ca sĩ tôi luôn nhìn vào. Tôi tự nhủ rằng mình phải không ngừng học hỏi, quan sát những ca sĩ khác hát. Không sở hữu giọng hát hay “bẩm sinh” nên tôi phải lấy phần kỹ thuật bù đắp vào khiếm khuyết của mình.
Xuất hiện vừa đủ
- Hà Trần có vẻ khiêm tốn về giọng hát của mình trong khi chị vốn có nhiều ưu điểm hơn thế?
- Tôi chỉ thấy mình có một ưu điểm để sống lâu với nghề này là làm việc rất có trách nhiệm. Nếu đã nhận lời ai về chương trình nào đó, tôi không muốn người làm việc chung thất vọng.
Người nghệ sĩ như một cái giếng, dù nhiều nước nhưng cứ múc mãi rồi cũng sẽ cạn. Vì thế, quan điểm của tôi là không nên “múc” nhiều, ở Việt Nam không hát nhiều và ở bên Mỹ tôi cũng chọn chương trình hợp mới hát. Tôi luôn biết làm sao để sự xuất hiện của mình vừa đủ nhất.
- Hà Trần có lo ngại qua thời gian, tuổi tác khiến chị lu mờ trong khi thị trường âm nhạc chuyển động liên tục, lớp ca sĩ trẻ xuất hiện nhiều, đổi mới từng ngày?
- Nhiều người hay nói “thầy đồ già, con hát trẻ” nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Những người có giọng ca đặc biệt càng về sau càng hay, kiểu “gừng càng già càng cay” bởi nghệ sĩ đó có nhiều trải nghiệm hơn. Hẳn nhiên, điều này chỉ đúng với điều kiện nghệ sĩ đó vẫn tiếp tục yêu nghề, dám sống với âm nhạc.
Theo Hà Trần, những người giọng ca đặc biệt càng về sau càng hay, kiểu “gừng càng già càng cay”. |
- Chị nghĩ sao khi không ít người hát hay lại lận đận với các giải thưởng, trong khi nhiều giọng ca bình thường được tung hô?
- Tôi thấy nhiều người có giọng hát tốt nhưng khi đi thi tranh giải thưởng lại chọn những bài không hợp. Bài toán khó trong các cuộc thi là cách chọn bài hát sao cho mình bật sáng dẫu chỉ trong một khoảnh khắc nhất định.
Như ca sĩ Susan Boyle, cô ấy không đẹp nhưng khi cất giọng hát bài I dreamed a dream đã khiến khán giả đứng dậy hết. Cô ấy biết lựa chọn bài hợp với giọng và biết rõ mình thể hiện tốt. Hơn nữa, ngoại hình của cô ấy quá tương phản với giọng hát nên tự nhiên tạo được giây phút đặc biệt, thu hút người nghe. Đôi khi trong cuộc đời của một ca sĩ, họ bất ngờ làm lên “lịch sử” chỉ bằng khoảnh khắc đặc biệt ấy.
- Hà Trần đã từng bao giờ tạo ra được khoảnh khắc bật sáng, thu hút khán giả?
- Một lần, khi tôi trình diễn ca khúc Sắc màu trên sân khấu mà không hiểu tại sao khán giả lại vỗ tay ầm ầm tán thưởng. Nhưng sau đó, tôi biết bởi đằng sau có một phông nền hình ảnh rất hay. Mỗi câu tôi hát khán giả lại được xem một hình ảnh đẹp mà họ rất thích. Tôi nghĩ, đó là cái quan trọng của nghề ca sĩ, trong một giây phút nào đó mình làm cho khán giả thích, đó là giây phút đắt giá. Tôi may mắn có được giây phút “xuất thần” ở lần khác trong chương trình Nhật thực.
Chồng hỗ trợ tôi rất nhiều
- Hà Trần nói nhiều về những khoảnh khắc đặc biệt làm nên “lịch sử” của một nghệ sĩ. Vậy còn giây phút ấn tượng nhất trong cuộc đời chị là lúc nào?
- Đối với người phụ nữ, khoảnh khắc tuyệt nhất là trông thấy đứa con của mình chào đời. Tôi đã khóc như một đứa trẻ, khóc to hơn cả em bé ngay khi thấy con chào đời. Tôi khóc đến nỗi em bé thấy mẹ khóc to hơn nên nín luôn. Bởi vì tôi đã mong chờ điều này quá lâu rồi, trước cả 9 tháng 10 ngày đã mong mỏi muốn biết con mình, từ mặt mũi, tay chân, hình hài như thế nào. Tôi thấy đó quả là giây phút cảm động nhất, kỳ diệu nhất.
Hà Trần cho biết đã khóc rất nhiều trong khoảnh khắc con sinh ra đời. |
- Nhiều người nói Hà Trần chăm con rất khéo, chị có bí quyết nào chia sẻ với người hâm mộ?
- Bản thân tôi là người sống rất khoa học nên khi nuôi con, tôi cũng đọc sách rất nhiều, vừa tham khảo theo sách vừa tham khảo phương pháp dân gian Việt Nam. Tôi không nuôi con theo cách bồng bế, ôm ấp bởi như thế không tạo được sự tự lập cho em bé. Môi trường sống ở Mỹ đòi hỏi phải tập luyện cho bé kỹ năng sống nhanh nhạy và tự lập. Tôi cố gắng để nuôi dưỡng trẻ phù hợp với nơi mình đang sống, chỉ có tình cảm là giữ như ở nhà. Vì không có nhiều người thân xung quanh như ở Việt Nam nên bố mẹ phải dành tình cảm cho em bé gấp mấy lần, không thể bỏ mặc con đi cả ngày được.
- Vậy có lúc nào đó, chị muốn đưa con về Việt Nam?
- Tôi thấy môi trường sống mỗi nơi mỗi khác, có ưu khuyết điểm riêng. Ví dụ, ở Việt Nam đường xá chật chội, bụi bặm và ồn ào, ít công viên nhưng lại có rất nhiều người thân để chơi, nói chuyện với cháu. Còn ở Mỹ điều kiện nuôi cháu tốt hơn nhưng lại ít người thân hơn.
Tôi không bị căng thẳng lắm khi nuôi con vì đã được chồng giúp rất nhiều. Anh ấy tập trung chăm sóc em bé nên tôi chỉ việc chia thời gian giữa công việc và gia đình mà không cảm thấy mệt mỏi.
- Dường như Hà Trần chưa bao giờ chê chồng?
- Bạn thử nghĩ xem, bây giờ có một người giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ hết mình, khi có con lại trông con, hỗ trợ tăng gấp đôi để mình yên tâm lo cho sự nghiệp thì làm sao có thể chê được. Tôi thấy may mắn, trước đây rất lận đận trong tình yêu, nhưng khi gặp người bạn đời hiện tại, lại tìm thấy một cảm giác yên tâm lạ kỳ.
Là người duy tâm, tôi nghĩ mẹ tôi mất sớm, khó khăn vất vả nên đến khi lập gia đình, những điều buồn, khổ, rắc rối trong cuộc sống tôi đã trả đủ. Khi gặp được anh ấy, tôi cảm giác như đó là sự phù hộ của mẹ, của ông bà tổ tiên như câu các cụ thường nói “Phúc đức tại mẫu”.
Tôi có mối liên hệ tâm linh rất sâu sắc đối với mẹ. Từ khi còn sống đến khi bà mất, tôi chưa bao giờ cảm giác rằng mẹ đã mất, mà luôn luôn cảm thấy sự hiện hữu của bà trong cuộc sống. Nó như sợi dây vô hình kết nối giữa tôi và mẹ. Khi viết ca khúc Hát ru ngày đông là tôi viết cho con của tôi nhưng cũng là tự viết cho mình, vì những điều mất mát như những sợi dây được nối lại từ quá khứ. Điều đó khiến tôi hiểu được rằng khi mẹ mang thai, mẹ mình yêu mình như thế nào, giống như bây giờ mình dành tình yêu tha thiết đó cho con gái.
Theo Người Lao Động