Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp. Buổi thẩm định quy hoạch được tổ chức sáng 23/3 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng thẩm định) chủ trì. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng tới dự để góp ý cho bản quy hoạch.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có GRDP cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Tuy vậy, kinh tế tỉnh này phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp luyện thép với tổ hợp Formosa tại khu kinh tế Vũng Áng. Những năm gần đây, kinh tế Hà Tĩnh đang tăng trưởng chậm lại do hết động lực.
Việc tìm ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Hà Tĩnh, đưa tỉnh này vươn lên tự cân đối ngân sách, thuộc nhóm khá là nội dung bản quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050 được tỉnh này hoàn thành để trình lên hội đồng thẩm định của Chính phủ.
Phấn đấu vươn lên nhóm khá của cả nước
Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung Bộ rộng gần 6.000 km2. Dân số của tỉnh hiện tại là khoảng 1,3 triệu người, GDRP bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,33 triệu đồng.
Hà Tĩnh lại có vị trí chiến lược với 160 km đường biên giới, là cửa ngõ đến Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tỉnh này cũng có 137 km đường ven biển, có suối nước nóng, vườn quốc gia Vũ Quang, là quê hương của nhiều nhân sĩ, trí thức, sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa… Hà Tĩnh hiện sở hữu mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Trường. |
Hiện tại, kinh tế của Hà Tĩnh phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và phát triển công nghiệp tại khu kinh tế Vũng Áng. Tại khu kinh tế này có tổ hợp sản xuất thép Formosa. Đây cũng là khu kinh tế đóng góp chủ yếu cho kinh tế Hà Tĩnh.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho rằng một số nội dung trong bản quy hoạch cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm như đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Trang Nguyễn.Theo đánh giá, tỉnh có thời tiết khắc nghiệt và chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Hàng năm đón nhiều cơn bão nhiệt đới, đối mặt nguy cơ hạn hán, lũ lụt.
Kinh tế của địa phương đã phát triển chậm lại, chưa tìm ra động lực tăng trưởng mới. Thách thức của Hà Tĩnh hiện nay là không có thương hiệu nổi bật, kinh tế nhỏ lẻ và phân mảnh, không có thị trường tiêu dùng lớn, nguồn lực con người hạn chế, xa các cụm công nghiệp trong nước...
Theo tính toán, GRDP của Hà Tĩnh hiện tại khoảng 78.000 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 1% GDP cả nước. Trong khi đó chỉ 25% lao động đã qua đào tạo. Hà Tĩnh chỉ cân đối được 44% ngân sách (mức trung bình của cả nước 87%). Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chỉ đạt 4,71% thấp hơn nhiều mức của cả nước là 6,07%.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho biết trong quy hoạch 2021-2030 và tầm nhìn 2050, tỉnh này sẽ tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Hà Tĩnh mong muốn phát triển song song giữa kinh tế và văn hóa xã hội, khơi dậy tiềm năng văn hóa.
Đến năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu lọt vào nhóm thu nhập bình quân cao tại khu vực Bắc Trung Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Đến năm 2030, tỉnh này sẽ vươn lên vào nhóm tỉnh khá của cả nước.
4 lĩnh vực trọng điểm sẽ được quan tâm đầu tư là công nghiệp luyện thép, chế biến chế tạo, năng lượng, công nghiệp, logistics.
Tận dụng các tuyến giao thông quốc gia đi qua Hà Tĩnh
Góp ý với dự thảo quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Cao Việt Sinh cho rằng cần bàn lại mục tiêu tăng trưởng “thuộc nhóm khá” trong quy hoạch. Ông cho biết hiện tại thu nhập bình quân của Hà Tĩnh đã thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Nếu sau 10 năm nữa vẫn đặt mục tiêu thu nhập thuộc nhóm khá trong số các tỉnh này thì “là bước thụt lùi”. Do đó, ông cho rằng sau 5 năm không nên so sánh với các tỉnh Bắc Trung Bộ, các tỉnh trong vùng này đều có mức thu nhập bình quân đầu người không cao, tốc độ tăng trưởng thấp hơn Hà Tĩnh.
Nguyên Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng góp ý Hà Tĩnh nên đưa ra mục tiêu cụ thể hơn về tăng trưởng, ví như lọt vào top 20 tỉnh có kinh tế mạnh nhất cả nước thay vì chung chung như trong báo cáo quy hoạch.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho rằng một số nội dung trong bản quy hoạch cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm như đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Trang Nguyễn. |
Ông Cao Viết Sinh cũng cho biết từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có hàng loạt tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua Hà Tĩnh như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường ven biển…
Tuy nhiên trong quy hoạch chưa thấy đề xuất hành lang phát triển gắn với các tuyến giao thông này. Ông đề xuất cần tính toán phát triển các hành lang kinh tế đi theo các con đường trên để tận dụng lợi thế phát triển.
PGS TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, góp ý trong quy hoạch tích hợp Hà Tĩnh cần cần làm rõ không gian phát triển theo hướng biển. Ông đề xuất cần mạnh dạn mở rộng không gian thành phố Hà Tĩnh về phía ra biển, đủ sức để tạo ra “một quả đấm” thực sự cho phát triển kinh tế, tạo chuyển biến cho kinh tế - xã hội. Trong tương lai, khi chín muồi có thể nâng cấp TP Hà Tĩnh lên quy mô loại 1.
Về phía tây, ông Hanh đề xuất cần xây dựng quy hoạch đô thị, đưa Thạch Khê lên thị xã và thành phố trong tương lai. Thạch Khê đang có lợi thế là một trong những đô thị hiếm hoi ở khu phía tây, lại có điều kiện phát triển kinh tế do sở hữu mỏ sắt Thạch Khê.
TS Phạm Hữu Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Tư vấn Thiết kê Giao thông Vận tải (TEDI), cho rằng Hà Tĩnh nên cân nhắc thêm việc xây dựng đường cao tốc nối khu kinh tế Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo. Theo ông, việc làm tuyến này sẽ phải thực hiện sau 2030 do kinh phí rất tốn kém.
Ông Sơn mong muốn Hà Tĩnh quan tâm hơn đến việc phát triển đường liên tỉnh, đường liên xã trong định hướng quy hoạch để phát triển tỉnh, phát huy hiệu quả của các tuyến đường quốc gia đi qua Hà Tĩnh.
Không phụ thuộc quá lớn vào Formosa
Góp ý với quy hoạch, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Hà Tĩnh cần phát triển bền vững theo hướng thuận thiên, do đó bài toán khó nhất là đưa ra đánh giá được tiềm năng và cơ hội của Hà Tĩnh về tự nhiên, địa lý, các vấn đề đặc thù của Hà Tĩnh... Ông đánh giá với điều kiện như hiện tại, phạm vi và điều kiện phát triển của Hà Tĩnh không phải là lớn, do đó cần chọn lọc hướng phát triển sao cho phù hợp, tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Ông Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh Hà Tĩnh cần xác định được bản đồ quy hoạch một cách rõ ràng để thu hút đầu tư. Trong đó, cần tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai, từ đầu tư hạ tầng, cảng biển, cần có bài toán… Khi nhà đầu tư nhìn thấy các quy hoạch được rõ ràng, cũng là hình thức quảng bá thu hút đầu tư của tỉnh.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trang Nguyễn. |
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng Hà Tĩnh cần dựa vào thế mạnh của cảng nước sâu Vũng Áng để phát triển kinh tế. Trong đó, những động lực tăng trưởng thời gian tới không nên dựa vào công nghiệp thép tại Formosa mà cần dựa vào nguồn nhân lực, các ngành công nghiệp công nghệ cao. Qua đó, ngay từ bây giờ, Hà Tĩnh phải tính toán phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bản quy hoạch Hà Tĩnh chưa là rõ vấn đề liên kết vùng với các địa phương khác. Ví dụ thay vì xây dựng sân bay mới thì Hà Tĩnh có thể tận dụng sân bay Vinh (Nghệ An) để tạo lợi thế phát triển. Khu vực phía bắc tỉnh có thể tăng cường kết nối để có thể giao thương thuận lợi hơn với Nghệ An. Ở phía nam, Hà Tĩnh cần tận dụng hơn nữa liên kết với khu kinh tế Hòn La của Quảng Bình.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch cũng thẳng thắn chỉ ra việc kinh tế Hà Tĩnh đang chững lại và chưa biết nhìn vào đâu ra hướng phát triển mới. Động lực cũ dựa vào Formosa đã gần như không còn nhiều, do đó cần tìm thêm động lực cho thời gian tới.
“Nếu tập trung quá lớn vào Formosa có thể sẽ có những rủi ro cao, không thể cả kinh tế trông vào đó. Động lực mới trước hết phải dưa dựa vào những tiềm năng sẵn có, sau đó thì tạo thêm”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng tỉnh cần xác định lại các ngành kinh tế để chọn ra mũi nhọn, không phát triển dàn hàng ngang. Sau khi đã xác định các ngành mũi nhọn thì phải có ngành hỗ trợ.