Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Tĩnh: Cá biển tươi bán nơi khác, bạc tỷ chôn kho lạnh

Ngư dân vẫn đi biển, nhà buôn vẫn thu mua cá tại chỗ, nhưng không tiêu thụ trong tỉnh mà đưa đến tỉnh khác. Trong khi chủ hàng đông lạnh chết chìm vốn tiền tỷ.

Khảo sát của PV báo điện tử Infonet tại các kho đông lạnh ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), cá tươi do các thuyền đánh bắt về vẫn ùn ùn đổ đi các tỉnh tiêu thụ.

Cá không ai mua, phải đưa đến tỉnh khác tiêu thụ

16h chiều 1/8, PV Báo điện tử Infonet có mặt tại kho đông lạnh Toàn Tới của ông Trần Văn Toàn (SN 1959, thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà). Tại đây, gần 2 tấn cá bạc má, các trích đang được nhân công đóng hộp đưa lên xe chuyển ra Sầm Sơn (Thanh Hóa), Diễn Châu (Nghệ An)... tiêu thụ.

Số lượng cá trên vừa được ông Toàn thu mua ngay tại cảng Cửa Sót, cá đang tươi, mới đánh bắt về. Số lượng cá đã được các chủ nhà hàng tại Thanh Hóa, Nghệ An đặt hàng trước đó. Cá đánh bắt ngày nào thì phải chuyển đi tiêu thụ ngày đó.

ca bien tuoi khong tieu thu duoc tai Ha Tinh anh 1
Số lượng 6,7 tấn cá tại kho đông lạnh HTX Hùng Mạnh được niêm phong ngày 8/7. Ảnh: T.Hoa

 

Theo ông Toàn, các chủ nhà hàng thu mua cá tại cơ sở ông họ không cần giấy chứng nhận VSATTP mà chỉ cần cá vừa đánh bắt lên bờ, còn tươi rói. Họ tuyệt đối không mua cá đông lạnh, cá tích trữ trước đó. Như vậy, số lượng cá mỗi ngày mà cơ sở đông lạnh Toàn Tới xuất ra thị trường được đánh bắt trong vùng lộng, trong vòng 20 hải lý tại vùng biển Cửa Sót.

Về lo lắng liệu cá tươi đó có giấy chứng nhận an toàn hay không, ông Trần Văn Toàn cho biết "chỉ cần nhìn mặt đặt hàng’’. Nghĩa là, các chủ thu mua chỉ dựa trên cảm tính, tin vào uy tín và thương hiệu của cơ sở ông.

Ông Toàn cũng tâm sự, bạn hàng tỉnh khác thì tin tưởng ông, tin rằng cá đánh bắt tại biển Hà Tĩnh là an toàn, không nhiễm độc, họ sẵn sàng thu mua. Thế nhưng tại thị trường Hà Tĩnh thì bị đóng băng. Như cách ông nói "cá trong tỉnh không thiêng, không ai ăn thì phải đem ra thị trường tỉnh khác tiêu thụ!’’.

Để minh chứng, ông Toàn dẫn PV vào kho đông lạnh của cơ sở buồn bã nói: "Các cô nhìn xem hơn 100 tấn cá đủ các loại, tương đương 4 tỷ đồng của gia đình đầu tư đang nằm 'chết' cứng trong kho, không thể xuất ra thị trường’’.Tương tự, hàng chục kho đông lạnh tại Thạch Kim đều đóng cửa, không hoạt động. Người dân mua cá về thay vì cho người ăn thì để cho vật ăn. Thuyền bè cập cảng đã lắng dần theo mỗi ngày. Chợ thu mua cá im ắng vào mỗi phiên. Người dân sống ở biển mà lại không dám ăn cá biển – đó là ‘’nốt nhạc buồn’’ mà ngư dân vùng biển đang phải gánh chịu.

 

Xét nghiệm cá nhiễm độc, không niêm phong?

 

Dư luận đang nóng lên vì thông tin gần 10 tấn cá bị nhiễm độc tại 4 kho đông lạnh thuộc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) hơn 1,44 tạ; HTX Thiên Phú (xã Thạch Kim, Lộc Hà) 1,1 tấn là; HTX Hùng Mạnh (Thạch Kim, Lộc Hà) là 6,7 tấn và Kho đông lạnh Sang Liên - Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) là 1,1 tạ đã bị tuồn ra ngoài đi tiêu thụ. Cũng theo nghi vấn của dư luận, khả năng số cá trên đã bán hết ra thị trường.

 

 

ca bien tuoi khong tieu thu duoc tai Ha Tinh anh 2
Gần 2 tấn cá bạc má, các trích đánh bắt trong vòng 20 hải lý đang được chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tới chở ra Nghệ An, Thanh Hóa tiêu thụ. Ảnh: T.Hoa

 

Ông Trần Xuân Dâng, Phó giám đốc Sở Y tế  Hà Tĩnh cho biết, để xác định mức độ độc hại của cá biển sau sự cố môi trường, tháng 4/2016, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế và các ban ngành lấy mẫu cá để xác định mức độ độc hại. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, ngày 11/7/2016, Sở Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến về việc xử lý hải sản bị ô nhiễm.  

Ngay sau đó, Chi cục VSATTP tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra và gửi mẫu ra Viện kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia xét nghiệm. Kết quả tại công văn số 609, ngày 8/7/2016 cho thấy  5 mẫu gửi kiểm nghiệm có 3 mẫu hàm lượng cadimi vượt giới hạn cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT, nghĩa là cá nhiễm độc từ biển. Cụ thể, hàm lượng cadimi trong mẫu cá gai xồ là 0,29mg/kg; trong mẫu cá gai nhỏ là 0,084mg/kg và trong mẫu cá mu là 0,14mg/kg.

Căn cứ kết luận của Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, ngay sau đó, Chi cục VSATTP Hà Tĩnh tiến hành niêm phong hơn 8 tấn cá tại 4 kho đông lạnh trên. Thế nhưng, Chi cục VSATTP trong khi chờ kết quả xét nghiệm của Viện quốc gia thì lại không niêm phong số cá trên. Vì thế, liệu cá nhiễm độc có bị tuồn ra thị trường?

Về điều này, ông Dâng nói: “Về nguyên tắc là phải niêm phong, nhưng không đủ kho để chứa và cũng không có kinh phí để thu gom toàn bộ số cá trên”.

Còn ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Tĩnh nói: “Chưa có kết quả kiểm định nên chưa thể niêm phong vì nếu như cá không độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và công việc làm ăn của dân”.    

Có mặt tại kho đông lạnh HTX Hùng Mạnh, xã Thạch Kim, ông Phùng Văn Hòa - Giám đốc HTX khẳng định, toàn bộ lô cá bị nhiễm độc cadimi đang được niêm phong tại kho, không có chuyện HTX bán tuồn ra ngoài. Ông dẫn PV vào kho đông lạnh, nhìn trực tiếp tem mác đã niêm phong được cơ quan chức năng thực hiện ngày 8/7/2016.

ca bien tuoi khong tieu thu duoc tai Ha Tinh anh 3
Hơn 100 tấn cá đông lạnh tại cơ sở Toàn Tới đã ''chết'' cứng trong kho, không thể bán ra thị trường. Ảnh: T.Hoa

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là ngoài số lượng cá đang được niêm phong chờ xử lý tại các kho đông lạnh, thì sản lượng cá trong vòng 3 tháng (từ ngày 4/6) chưa được kiểm nghiệm tại các sở sở đông lạnh đã xuất ra thị trường liệu có chắc rằng không bị nhiễm độc? Vấn đề này có lẽ là kẽ hở mà các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã không tính đến?

Tiêu hủy lúc này là quá muộn?

Ngày 1/8, thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh cho tiêu hủy toàn bộ số hải sản tại 4 cơ sở đông lạnh vì có hàm lượng cadimin vượt quá giới hạn cho phép.

"Hiện đoàn của Sở Y tế và Chi cục ATVSTP đang tiến hành kiểm tra tại các kho đông lạnh này và yêu cầu các chủ kho không được tiêu thụ số hải sản trên, chờ hướng xử lý của UBND tỉnh’’ – ông Trần Xuân Dâng, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết.

Thế nhưng, dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao có kết quả kiểm nghiệm từ ngày 8/7/2016 mà tới gần 1 tháng số cá có hàm lượng cadimin vượt ngưỡng cho phép mà nhiều ngày sau cơ quan chức năng mới đề nghị tiêu hủy?

"Mỗi người ăn vài lượng cá có nhiễm chất cadimi thì không gây độc hại. Chỉ khi mỗi người ăn 8 - 9 lượng cá có nhiễm cadimi thì mới gây độc hại" - ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nói.

http://infonet.vn/ha-tinh-ca-bien-tuoi-xuat-ban-noi-khac-bac-ty-chon-trong-kho-dong-lanh-post205327.info

Theo Trương Hoa/Infonet

Bạn có thể quan tâm