Trong tham luận của mình tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel khẳng định dù hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh nhất thế giới, vẫn còn nhiều mặt mà ngành này đang thua kém các nước trong khu vực.
Thua kém
Trích số liệu của WEF năm 2017, ông Kỳ khẳng định chất lượng của hạ tầng hàng không Việt Nam nếu so sánh trong khu vực chỉ cao hơn Campuchia và Philippines.
"Chỉ số xếp hạng cơ sở hạ tầng hàng không không phản ánh số lượng các cảng hàng không Việt Nam mà phản ánh chất lượng của hạ tầng các cảng hàng không hiện nay, cũng như bất cập về công suất hoạt động. Chỉ vài cảng hàng không có công suất hoạt động cao, dẫn đến quá tải, ví dụ công suất tại TP.HCM là 130%, Nha Trang là hơn 200%, Đà Nẵng là 150%, nhất là dịp lễ, Tết, nhu cầu khách tăng mạnh. Các nơi còn lại hầu như đều chưa khai thác đúng công suất, không hiệu quả", ông Kỳ nêu.
Trích số liệu của WEF năm 2017, Vietravel cho rằng so với khu vực, chất lượng hạ tầng hàng không Việt Nam chỉ hơn Campuchia, Philippines. Ảnh: Lê Quân. |
Về hạ tầng, doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị cần đảm bảo nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không, chú trọng nâng cấp các cảng hàng không quá tải và khuyến khích khai thác các cảng chưa khai thác hết công suất.
Bên cạnh đó, hãng cũng khẳng định Việt Nam có xếp hạng cao về vận chuyển hàng không thị trường nội địa nhưng yếu khả năng vận chuyển hành khách quốc tế so với hầu hết quốc gia (chỉ cao hơn Campuchia, Lào)
Hiện thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không Việt Nam.
Số hãng hàng không chưa đảm bảo
Theo ông Kỳ, cần nâng cao năng lực các hãng hàng không trong nước vận chuyển quốc tế, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không mở thêm các đường bay quốc tế mới, đến các thị trường tiềm năng nhằm đảm bảo cạnh tranh với các hãng quốc tế.
Lãnh đạo Vietravel cũng cho rằng số lượng máy bay tăng nhưng số hãng hàng không chưa đảm bảo nhu cầu vận chuyển dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Do đó, hãng khuyến nghị cần có cơ chế phù hợp cũng như tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể đầu tư vào hàng không cũng như tham gia vào chuỗi lĩnh vực hàng không - đầu tư hàng không còn nhiều dư địa cũng như cơ hội khi mà các phương tiện vận chuyển khác tại Việt Nam chưa phát triển.
Doanh nghiệp cũng cho rằng cần có sự quan tâm tới nguồn nhân lực hàng không khi ngành này đang phát triển bùng nổ.
Trước đó, phía Vietravel xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế.
Lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng từng chia sẻ việc một hãng lữ hành thành lập và vận hành một hãng hàng không là rất phổ biến trên thế giới.
Theo Nghị định 92, mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng với số máy bay khai khác. Hãng có đường bay quốc tế, khai thác 11-30 máy bay cần có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và cần có vốn từ 1.300 tỷ đồng để khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.