Dự báo về đường đi và vùng ảnh hưởng của bão Yagi. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 141 về việc chủ động ứng phó bão số 3 (Yagi).
Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến bão và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó thiên tai, sự cố.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố nhấn mạnh việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
"Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thời tiết, thiên tai, sự cố và các thiệt hại xảy ra về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN thành phố theo quy định", văn bản nêu.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào 4 giờ sáng nay (4/9), tâm bão Yagi trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13. Như vậy chỉ trong một ngày sau khi vào Biển Đông, bão Yagi đã mạnh lên 3 cấp.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong hai ngày tới, bão Yagi di chuyển ổn định theo hướng tây và tiếp tục mạnh lên nhờ điều kiện mặt biển ấm và đứt gió yếu trên Biển Đông. Đến khoảng sáng mai (5/9), bão tăng thêm hai cấp, đạt cường độ cấp 13, giật cấp 16.
Đến ngày 6/9, khi tiến gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, bão đạt cường độ lớn nhất. Vào 4 giờ sáng ngày 6/9, tâm bão cách đảo Hải Nam 230 km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Khi đi qua đảo Hải Nam tiến vào vịnh Bắc Bộ trong ngày 6/9, bão có thể đổi hướng tây tây bắc và suy yếu một cấp do ma sát vào địa hình của đảo. Dự báo đến 4 giờ sáng ngày 7/9, tâm bão trên vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Đây vẫn là một cường độ rất mạnh, có sức tàn phá kinh hoàng.
Trong hai ngày sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, cường độ giảm dần đi vào đất liền các tỉnh miền Bắc nước ta, có thể gây mưa gió dữ dội cho một khu vực rộng lớn khắp miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.
Do ảnh hưởng của bão Yagi, hôm nay, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 4-6 m.
Từ ngày 5-6/9, bão Yagi có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão, với sóng biển cao tới 7-9 m, có thể đánh chìm các tàu trọng tải lớn.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.