Sáng 30/1, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Theo thông báo mới nhất, thành phố chưa ghi nhận trường hợp dương tính với virus corona nhưng có 14 trường hợp có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về. Sức khỏe các trường hợp này đều đang ổn định, không có bệnh nhân nặng.
Trong 14 người này, 3 người đã khỏi bệnh, 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Thành Công. |
Nguồn lây nhiễm phức tạp
Thông tin tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho hay dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh do nguồn dịch bệnh có thể tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam thông qua khách du lịch.
"Hiện nay, khí hậu đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Bên cạnh đó, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân", ông Hạnh cho hay.
Cũng theo ông Hạnh, để kịp thời ngăn chặn, giám sát tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã phối hợp với Công an thành phố và các ngành chức năng giám sát các hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, khoanh vùng xử lý triệt để các bệnh nhân liên quan đến 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách 60 người tiếp xúc gần.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội (CDC) bày tỏ lo ngại nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh rất cao trong thời điểm này.
"Hà Nội là điểm trung tâm của tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc. Bệnh này rất mới, tất cả chúng ta không ai có miễn dịch. Hiểu biết của chúng ta về chủng virus này rất hạn chế, chỉ trong 1 tuần WHO đã 2 lần thay đổi mức cảnh báo", ông Cảm cho hay.
Theo lãnh đạo CDC, dù chưa xác định chính xác con đường lây nhiễm bệnh này, nhưng các chuyên gia cho rằng chủ yếu qua đường hô hấp. Hiện, các chuyên gia y tế của trung tâm, cũng như Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ cần đeo khẩu trang y tế là có thể phòng tránh hiệu quả.
"Một số người dân tìm mua khẩu trang N95 nhưng đây là khẩu trang dành cho nhân viên y tế. Người dân lo lắng tìm mua loại này là không cần thiết, chỉ cần khẩu trang y tế là đủ", ông nói.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và khi tiếp xúc với người khác.
"Người dân cũng không nên kỳ thị những người mắc bệnh hay có triệu chứng mắc bệnh, cần đưa họ đến các cơ sở y tế kịp thời để xử lý, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông cho hay.
Chưa có phác đồ điều trị, xét nghiệm nhanh
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đây là dịch bệnh gây ra bởi chủng mới của virus corona, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị, chưa có thiết bị, công nghệ để xét nghiệm nhanh cho bệnh nhân nên việc kiểm soát, xử lý gặp nhiều khó khăn.
"Theo tôi được biết, còn rất nhiều bệnh nhân ở Trung Quốc đang chờ xét nghiệm để biết có nhiễm nCoV hay không, vì vậy trong những ngày tới số trường hợp mắc vẫn sẽ tăng rất cao. Hiện, các trung tâm xét nghiệm, bệnh viện vẫn đang xét nghiệm theo cách truyền thống nên sẽ mất 3-4 ngày mới cho kết quả", Chủ tịch thành phố Hà Nội cho hay.
Hà Nội mới chỉ có 40 bộ trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế. Ảnh min họa: The Guardian. |
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh Sở Y tế cần phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an Hà Nội, Sở Lao động tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực cửa khẩu, sân bay Nội Bài. Các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần cách ly, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh trong những ngày sắp tới, thành phố cần triển khai các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực kinh doanh động vật hoang dã, nhất là tại các khu vực tập trung đông đúc, nơi diễn ra lễ hội.
"Nhân dịp này, chúng ta cần cấm tiệt việc kinh doanh các loại động vật hoang dã, kể cả chó mèo cũng hạn chế", ông Chung nói.
Chủ tịch thành phố giao Sở Giáo dục cùng toàn bộ hiệu trưởng các trường từ mẫu giáo đến đại học tại Hà Nội khẩn trương phun khử trùng toàn bộ các lớp học, khuôn viên tại 3.000 trường học và phải hoàn thành trước chủ nhật tuần này.
Ông cũng cho biết dự kiến Hà Nội sẽ phải đối phó với tình trạng dịch bệnh từ virus nCoV trong nhiều tháng tới, các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế phải luôn trong trạng thái sẵn sàng.
"Đối phó với dịch bệnh này không thể ngày một ngày hai được, cho nên chúng ta có thể phải chiến đấu với virus này từ nay cho đến mùa hè. Thời tiết này thì virus lây lan nhanh, nhưng nóng trên 25 độ thì sẽ chậm lại", ông nói.
Khẩn trương trang bị khẩu trang, giường bệnh
Về công tác đảm bảo hệ thống trang thiết bị, giường bệnh, khẩu trang cho đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ và các bệnh nhân, ông cho rằng các đơn vị đang thực hiện chưa tốt, chưa đầy đủ.
"Sở Y tế phải kiểm tra việc dự phòng, sản xuất khẩu trang. Hà Nội có 8 triệu dân, trong trường hợp thành phố phát hiện ổ dịch thì phải có khẩu trang để phát miễn phí cho người dân. Tức là chúng ta phải dự phòng 15-20 triệu chiếc khẩu trang", ông Chung giao nhiệm vụ cho Sở Y tế.
Chủ tịch UBND Hà Nội bày tỏ không hài lòng với báo cáo của Sở Y tế cho hay toàn thành phố mới có 40 bộ quần áo bảo hộ cho các y, bác sĩ làm việc tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Toàn thành phố mới có 40 bộ thì mỗi bệnh viện chưa có được 1 bộ, các đồng chí phải bố trí khẩn trương mua thêm. Ngoài ra, cần khẩn trương bổ sung thêm giường bệnh, khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân mới", ông nói.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng thành phố đã có kinh nghiệm xử lý thành công dịch SARS từ năm 2003 và sẽ triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo không người dân Hà Nội nào bị mắc bệnh.
"Chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ không đánh đổi kinh tế lấy an toàn, sức khỏe của người dân. Hà Nội xác định sẽ bị ảnh hưởng các hoạt động du lịch, giải trí, văn hóa trong thời điểm hiện tại nhưng tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Tính đến sáng 30/1, đã có ít nhất 7.771 ca nhiễm virus corona ở 16 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới - toàn bộ các địa phương ở Trung Quốc, khoảng 70 ca ở nước khác, Reuters dẫn số liệu từ WHO.