Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội, TP.HCM vẫn là những thành phố chi phí đắt đỏ nhất thế giới

TP.HCM xếp thứ 124, Hà Nội ở vị trí 137 trong danh sách 209 thành phố có sinh hoạt phí cao nhất thế giới, theo hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh).

Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh) vừa đưa ra báo cáo Chi phí sinh hoạt năm 2018 của 209 thành phố trên thế giới, trong đó Việt Nam có 2 đại diện là Hà Nội và TP.HCM.

So với năm ngoái, độ đắt đỏ trong chi phí sinh hoạt của TP.HCM giảm 27 bậc trên toàn cầu, về vị trí 124. Hà Nội xếp thứ 137, cũng giảm 37 bậc. Giai đoạn 2013-2015, hãng nghiên cứu của Anh vẫn đánh giá sinh hoạt phí ở Hà Nội cao hơn so với TP.HCM.

thanh pho dat do nhat the gioi anh 1
6 thành phố châu Á nằm trong top 10 nơi có sinh hoạt phí cao nhất thế giới.

Kết quả này đánh giá dựa trên khảo sát thường niên của hãng về phí sinh hoạt với hơn 200 loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến của từng thành phố như giao thông, nhà ở, thức ăn, trang phục, đồ dùng gia đình, tiện nghi giải trí. Tất cả kết quả này được mang đi so sánh với sinh hoạt phí ở New York (Mỹ) và xếp hạng.

Năm nay, Hong Kong “soán” ngôi của Luanda (Angola), dẫn đầu bảng xếp hạng về thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới. Khảo sát cũng đơn cử một chiếc quần jeans tại đây có giá khoảng 120 USD (tương đương hơn 2,5 triệu đồng), một cốc cà phê là 8 USD (gần 200.000 đồng).

Ngoài Hong Kong, châu Á còn 5 đại diện khác nằm trong top 10 thành phố có sinh hoạt phí cao nhất thế giới. Đó là Tokyo -Nhật Bản (vị trí thứ 2), Singapore (thứ 4), Seoul -Hàn Quốc (thứ 5), Thượng Hải - Trung Quốc (thứ 7) và Bắc Kinh -Trung Quốc (thứ 9).

thanh pho dat do nhat the gioi anh 2
Hong Kong là thành phố có sinh hoạt phí đắt nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Hà Nội và TP.HCM, bảng xếp hạng còn có nhiều thành phố chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Cụ thể, Singapore (thứ 4), Bangkok (thứ 52), Yangon (thứ 91), Jakatar (117), Phnom Penh (thứ 142) và Kuala Lumpur (thứ 145).

Hãng nghiên cứu Mercer cho biết nội tệ Angola bị mất giá khiến Luanda tuột hạng. Trong khi đó, sự biến động tỷ giá đã đưa các thành phố châu Á lên đầu bảng. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT cũng giúp các thành phố Trung Quốc thăng hạng năm nay.

Báo cáo về chi phí sinh hoạt của các thành phố trên thế giới được Mercer công bố hàng năm. Mục đích là giúp các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước đánh giá chi phí khi cử nhân viên sang làm việc tại nước ngoài.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm