Từ hôm nay (7/8), người dân Hà Nội tiếp tục bước vào 15 ngày giãn cách xã hội với các biện pháp phòng, chống dịch được siết chặt. Quyết định kéo dài thời gian giãn cách được đưa ra khi Hà Nội liên tục ghi nhận nhiều ổ dịch mới phức tạp, liên quan đến nhiều siêu thị và chợ đầu mối, khu dân cư.
Với việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết 15 ngày tới dùng để "giữ thành quả chống dịch" và dọn sạch hoàn toàn ổ dịch trên địa bàn.
Cắt các chuỗi lây nhiễm
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong 2 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (24/7-6/8), số F0 ngoài cộng đồng tăng vì virus có thời gian ủ bệnh 14 ngày, trong khi thành phố đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Do đó, việc số ca mắc tăng nhanh trong những ngày qua là tất yếu.
Ngoài ra, thành phố cũng phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm qua sàng lọc. Có chuỗi đã lây đến chu kỳ thứ 2, thứ 3 và nằm rải rác ở nhiều quận, huyện. Các ổ lây nhiễm xâm nhập vào bệnh viện, chuỗi cung ứng hàng hóa, chợ dân sinh, siêu thị.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng diễn biến dịch ở Hà Nội còn phức tạp, khó lường và dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Hai tuần qua, Hà Nội ghi nhận nhiều ổ dịch liên quan đến các chợ đầu mối, siêu thị trên địa bàn. Ảnh: Đức Anh - Nhật Sinh. |
Trên thực tế, trong hai tuần tăng cấp độ phòng dịch theo Chỉ thị 17, lãnh đạo thành phố liên tục đưa ra những chỉ đạo, khuyến cáo tới người dân về tình hình dịch bệnh.
Ngoài việc yêu cầu người dân không ra khỏi thành phố theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đấy", Hà Nội khuyến cáo người dân khai báo y tế khi bị sốt, ho, khó thở.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, nhờ khai báo y tế hàng ngày, người dân Hà Nội đã giúp cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết, bóc tách thành công hàng chục ca F0 trong cộng đồng. Cao điểm như ngày 30/7, thành phố phát hiện 119 ca mắc mới, bao gồm 69 ca trong cộng đồng.
Đánh giá về kết quả chống dịch 2 tuần giãn cách xã hội vừa qua, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết thành phố đạt được kết quả khá tích cực nhưng nguy cơ về dịch vẫn rất lớn khi Hà Nội là trung tâm, đầu mối giao thương.
Nếu dừng giãn cách xã hội thì những thành quả, kết quả đạt được thời gian qua khó đảm bảo được.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong
Bên cạnh đó, địa phương xung quanh đều đang có dịch. Đáng lo hơn, dịch bệnh xâm nhập vào nhiều địa bàn trọng yếu như khu công nghiệp, bệnh viện, chợ dân sinh, siêu thị, khu đông dân cư. Nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
“Nếu dừng giãn cách xã hội thì những thành quả, kết quả đạt được thời gian qua khó đảm bảo được. Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch. Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện”, ông Phong nói.
Nâng năng lực xét nghiệm
Chiều 6/8, trong công điện về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết trong 15 ngày giãn cách tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ tận dụng để rà soát lại năng lực xét nghiệm.
Ngành y tế thành phố được yêu cầu chuyển mẫu nhanh từ nơi lấy mẫu đến các cơ sở xét nghiệm; áp dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ quy trình từ khi lấy mẫu đến trả kết quả.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan y tế và chính quyền cơ sở chủ động thực hiện việc xét nghiệm nhanh; tranh thủ từng ngày, từng giờ, tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, Hà Nội sẽ triển khai thử nghiệm việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu dưới sự giám sát của ngành y tế.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu trong thời gian giãn cách, sở ngành thành phố cần thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Ảnh: Việt Linh. |
Ngành y tế thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao nhất có thể cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu; hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời các cơ sở thu dung, điều trị tháp nhiều tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Hà Nội đặc biệt lưu ý việc phân biệt những người nhiễm không có triệu chứng với người có triệu chứng để tổ chức quản lý, trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.
UBND Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm cơ sở thu dung người nhiễm Covid-19 không triệu chứng với công suất chuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết. Thành phố cũng hướng đến mục tiêu tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả.
Cuối cùng, trong thời gian giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu chính quyền các các cấp, các ngành bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá.
"Ai ở đâu ở đó"
Bên cạnh việc đưa ra nhiệm vụ cho từng sở, ngành chức năng, lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo, các địa phương đảm bảo thực chất việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình.
Người dân được yêu cầu "ai ở đâu ở đó”, chỉ đến cơ quan làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác theo yêu cầu.
Hà Nội phân cấp nguy cơ dịch bệnh cho từng khu vực. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Tại các khu vực không có dịch (vùng xanh), người dân được yêu cầu phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập "chốt bảo vệ vùng xanh".
Tại các khu vực có nguy cơ (vùng da cam) gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, người dân cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế khi đến làm việc hoặc mua sắm.
Với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly (vùng đỏ), người dân cần chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.