Ngày 15/7, tại cuộc làm việc với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội kiểm tra lại công tác quy hoạch 2.000 điểm kinh doanh xăng, dầu, hóa chất trên địa bàn và rà soát lại nhiều vấn đề như trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện có cũng như các phương tiện còn thiếu; bổ sung, chỉnh lý và thực tập các phương án xử lý các tình huống cháy, nổ lớn tại các cơ sở trọng điểm, các cơ sở phức tạp, có tính chất đặc thù, khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu người; Trung tâm chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn nhằm bảo đảm hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy.
"Thành phố cũng sẽ giao cho UBND xem xét các mục tiêu ưu tiên để bố trí đầu tư, trang bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tinh nhuệ, hiện đại; trong đó đối với hạn chế về việc thiếu nước, thiếu trụ nước sẽ giao cho UBND Hà Nội nghiên cứu, đề xuất. Trước hết rà soát quy hoạch họng nước, bảo đảm đủ khoảng cách theo quy định chưa, nếu thấy thiếu thì phải bổ sung. Về nguồn nước, bảo đảm cấp nước cho toàn thành phố từ nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống," Bí thư thành ủy nhấn mạnh.
Vụ cháy ngày 1/11 tại khu vực số nhà 39 - 45 đường Trần Thái Tông. |
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, trong 6 tháng đầu, toàn thành phố Hà Nội xảy ra 447 vụ cháy, thiệt hại tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng, tính trung bình mỗi ngày xảy ra 2,5 vụ cháy cho thấy tình hình phức tạp của cháy nổ, là thách thức đối với công tác phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, qua vụ cháy tại phố Trần Thái Tông vào cuối năm 2016, thành phố đã có bài học, đã có chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, nhiều cán bộ cũng đã bị cách chức, kỷ luật và tất cả các cấp, các ngành và người dân nhận thức được tốt hơn về hiểm họa cháy nổ, và quyết liệt hơn trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.
"Bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tự trang bị thiết bị bảo đảm phòng cháy chữa cháy, mỗi nhà, mỗi hộ dân tự xây dựng phương án thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn thì trách nhiệm chính trong đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vẫn thuộc về lực lượng chức năng.
Do đó, ý thức kỷ luật trong mỗi cán bộ, chiến sĩ cần được tăng cường, việc kiểm tra, lập biên bản xử phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng cần được xử lý quyết liệt hơn nữa. Quy trình cưỡng chế các trường hợp vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của người dân cũng đến lúc phải làm, không thể để yên được", Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã tiếp nhận, xử lý trên trên 24.000 tin qua máy điện thoại 114, trong đó có trên 2.000 tin báo cháy, kịp thời điều động trên 1.000 lượt xe chữa cháy và xe chuyên dụng đến hiện trường trực tiếp cứu chữa 302 vụ cháy; trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ 41 vụ, cứu được 49 người.
Cơ quan này cũng đã mở ba đợt tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền khuyến cáo, cảnh báo người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy; in ấn, phát hành tờ rơi khuyến cáo an toàn về phòng cháy chữa cháy tới các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ, các hộ gia đình; tổ chức nói chuyện, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội còn đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy; tổ chức rà soát, hướng dẫn các cơ sở lập mới và chỉnh lý 416 phương án chữa cháy; tự diễn tập và phối hợp diễn tập 691 phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.