Thành ủy Hà Nội vừa ban hành thông báo về ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại hội nghị gặp mặt Ban Liên lạc các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu, trong đó có ý kiến về việc đặt tên đường Cách mạng Tháng Tám và xây dựng Tượng đài Độc lập.
Thông báo nêu rõ, Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp, cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu, nhất là trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội |
Với đề xuất của Ban Liên lạc về đặt tên đường “Cách mạng Tháng Tám” và kiến nghị liên quan đến biển tên của Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Bí thư Thành ủy cho rằng, đến nay, tên “Cách mạng Tháng Tám” đã được thành phố Hà Nội sử dụng và đặt tên cho quảng trường và vườn hoa trước khu vực Nhà hát lớn là địa điểm tổ chức cuộc mít tinh tổng khởi nghĩa lớn của quần chúng cách mạng và Việt Minh vào tháng 8/1945.
Đây cũng là nơi có không gian cảnh quan đẹp, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa của Thủ đô.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội
Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu xây dựng phương án đặt tên đường “Cách mạng Tháng Tám”.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án về biển tên của Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, bảo đảm trang trọng, nghiêm túc, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đúng quy định của Nhà nước.
Về đề xuất xây dựng Tượng đài Độc Lập, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng: Tượng đài là tác phẩm mỹ thuật, công trình văn hóa nghệ thuật có tính biểu tượng cao, đặt cố định tại nơi công cộng; là bộ phận cấu thành của không gian cảnh quan kiến trúc đô thị; được truyền tải rất nhiều chủ đề, đặc biệt là về văn hóa và gắn liền với các sự kiện lịch sử phát triển của thủ đô, đất nước.
Việc xây dựng Tượng đài Độc Lập đã được Thành phố chỉ đạo đưa vào danh mục xây dựng một số tượng đài mới trong đồ án quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thẩm định, hoàn thiện Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố, sớm trình các cấp có thẩm quyền thông qua, phê duyệt theo quy trình, quy định.