Ông Đặng Văn Bất, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội cho biết, hiện có hai phương án: Một là cấp phép để chùa Bồ Đề thành lập trung tâm bảo trợ xã hội. Hai là giải tán cơ sở nuôi dưỡng trẻ tại chùa, rà soát, phân loại đưa các cháu về địa phương nếu có địa chỉ cụ thể. Những trường hợp không có địa chỉ sẽ được chuyển tới các Trung tâm bảo trợ xã hội công lập của thành phố.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở thừa nhận khả năng cấp phép cho chùa Bồ Đề được tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi khó khả thi. Bởi theo quy định về việc thành lập cơ sở bảo trợ ngoài công lập thì vật chất, diện tích trung bình, môi trường, nhân lực... tại ngôi chùa này đều không đủ điều kiện để nuôi dưỡng 106 trẻ em và 39 người cao tuổi.
Việc cấp phép nuôi dưỡng trẻ em cho chùa Bồ Đề khó khả thi nên TP.Hà Nội đang lên phương án đưa trẻ về các trung tâm bảo trợ xã hội. |
Do đó, cơ quan này đã chủ động yêu cầu 5 Trung tâm bảo trợ xã hội công lập chuẩn bị điều kiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận trẻ và rà soát báo cáo khả năng tiếp nhận các trường hợp của chùa Bồ Đề.
Theo đó, 5 Trung tâm được lên kế hoạch tiếp nhận các trường hợp tại chùa Bồ Đề gồm: Trung tâm bảo trợ xã hội 1, 2, 3; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật; Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2. Một số trung tâm đề nghị được thành phố bổ sung giường, ký thêm hợp đồng lao động để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.
“Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả thanh kiểm tra liên ngành do quận Long Biên chủ trì đối với chùa Bồ Đề và ý kiến chỉ đạo cụ thể của thành phố. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiếp nhận toàn bộ các đối tượng tại chùa Bồ Đề”, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội nói.
Trước đó, Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội ) - Đặng Hoa Nam từng khẳng định: “Không có chùa Bồ Đề, trẻ em sẽ đi về các trung tâm bảo trợ xã hội”.
Theo ông Nam, đã rất nhiều lần, TP.Hà Nội yêu cầu chùa Bồ Đề chuyển các cháu bé sang các cơ sở bảo trợ có phép và Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chăm nuôi nhưng không được tiến hành. Nhà nước luôn có những chính sách khuyến khích các gia đình nhận nuôi hoặc thành lập các trung tâm bảo trợ hợp pháp, đảm bảo tốt nhất cho các cháu bé mồ côi hoặc bị bỏ rơi.
Ông Nam cũng cho biết, nếu cơ sở này muốn tiếp tục hoạt động, sắp tới hoặc là xin phép hoặc là dừng. "Thủ tục xin cấp phép đối với chùa Bồ Đề không có gì khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 12/6, tại buổi làm việc của Sở Lao động Hà Nội với các đơn vị liên quan của quận Long Biên, Sở đã đề nghị quận cử người xuống phối hợp hướng dẫn chùa Bồ Đề thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tại quận Long Biên hoặc thành lập cơ sở mới tại huyện Sóc Sơn, nơi trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan có 4.000m2 đất.
Theo lãnh đạo quận Long Biên, không thể thực hiện phương án quận đầu tư cơ sở vật chất thành lập cơ sở bảo trợ trên địa bàn vì quy định pháp luật không cho phép.
Số liệu từ Phòng Bảo trợ xã hội cho biết, tại thời điểm tháng 7/2014, chùa Bồ Đề đang nuôi dưỡng 145 trường hợp (39 người cao tuổi, khuyết tật; 106 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi), ngoài ra còn có 33 người lang thang giúp việc, trông trẻ tại chùa.
Từ tháng 8/2013 đến nay có 16 người được chuyển khỏi chùa Bồ Đề gồm 10 trẻ em bị bỏ rơi và 6 người lang thang.