Trong báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) thường niên năm 2020, chỉ số này được trình bày thành bốn nhóm theo tứ phân vị thay vì xếp hạng từ 1 đến 63. Bốn nhóm xếp hạng bao gồm cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất.
Các tỉnh thuộc nhóm cao nhất là Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang.
Cần Thơ ở nhóm trung bình cao. TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng ở nhóm trung bình thấp. Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công (PAPI) 2020 là thước đo quan trọng giúp chính phủ xem xét, xác định mối quan tâm hàng đầu của người dân để ưu tiên giải quyết.
Trong hội nghị công bố ngày 14/4, đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie chia sẻ: “Hơn một thập kỷ qua, những ý kiến của người dân đã giúp PAPI trở thành công cụ xây dựng chính sách, là cơ chế thúc đẩy các thể chế dịch vụ công và cải thiện khả năng quản lý, ứng phó của chính quyền”.
“PAPI là ‘mỏ vàng dữ liệu’ có thể khai thác”, bà nhận định.
Đại sứ Australia Robyn Mudie phát biểu trong hội nghị. Ảnh: UNDP. |
Đại sứ Ireland John McCullargh cũng bày tỏ ấn tượng về quy mô cũng như độ chi tiết của báo cáo. Theo ông, đây là tư liệu quan trọng để hoạch định chính sách.
“PAPI không chỉ là công trình nghiên cứu xong rồi ngủ yên trên giá sách mà còn có tính thực tiễn, thúc đẩy các địa phương cạnh tranh lành mạnh để cải thiện chỉ số, gián tiếp cải thiện hiệu quả quản trị công”, Đại sứ John McCullargh nhấn mạnh.
Theo đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, báo cáo PAPI năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền.
Kết quả trình bày trong báo cáo cho thấy kể từ năm 2016, kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể qua từng năm.
Trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Đặc biệt, theo đại sứ Australia, sự cải thiện trong hầu hết lĩnh vực quản trị và hành chính công tại Việt Nam có mối liên hệ tích cực với hiệu quả phòng chống đại dịch Covid-19.
Bởi lẽ quản trị tốt là động lực thúc đẩy niềm tin, sự ủng hộ và tính chủ động tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
"Tôi vui mừng nhận thấy có sự cải thiện trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Sự cải thiện này có thể đã góp phần giúp Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch Covid-19”, đại sứ Australia cho biết.
Theo UNDP, hơn 14.732 người dân đã được phỏng vấn cho báo cáo PAPI 2020. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011.