Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội không xây dựng phương án đối phó 1.300 cây đổ

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, Hà Nội chỉ lên phương án đối phó với trường hợp tối đa 300 cây đổ. Vì thế, việc khắc phục hậu quả cơn dông vừa qua mất nhiều thời gian.

Chiều 16/6, tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở này đã nhận được rất nhiều chất vấn trước việc 2 người chết do bị cây đổ,  hơn 1.300 cây xanh gãy đổ... sau trận mưa dông ngày 13/6.

Ông Võ Nguyên Phong - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau cơn dông, các đơn vị chức năng của TP Hà Nội đã làm hết sức để khắc phục hậu quả, đem lại nhịp sống bình thường cho người dân.

"Các phương án đối phó của chúng tôi xây dựng trong trường hợp chỉ là 300 cây nhưng số lượng cây đổ lần này là gần 1.300 cây. Vì vậy, việc khắc phục cần thời gian, phương tiện, nhân lực" -  ông Phong thông tin. 

Về việc đền bù thiệt hại do hậu quả của dông lốc, ông Phong cho rằng, đây là tai nạn do thiên tai, bất khả kháng. Ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, thành phố cũng có trách nhiệm có giải quyết theo tình cảm, chia sẻ với gia đình người bị nạn. Với các thiệt hại về người, lãnh đạo các sở, quận đã xuống tận gia đình nạn nhân để thăm hỏi, trợ giúp kinh phí an táng.

Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc phát hiện các cây sâu mục trên địa bàn vẫn theo phương thức kiểm tra bằng mắt thường. Công nhân công ty cây xanh theo dõi các biểu hiện bên ngoài, còn các cây sâu mục từ bên trong thì mới thực hiện theo quan sát của chuyên gia.

Trước việc cơn dông đã làm bật gốc, lộ ra nhiều cây mới trồng còn nguyên nylon bọc bầu cây, ông Nguyễn Văn Phong, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, UBND TP đã giao các đơn vị chức năng kiểm tra quy trình trồng cây mới. Nếu có vi phạm, TP sẽ xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi. 

"Hợp đồng trồng cây với các đơn vị đã quy định rõ chỉ quyết toán đối với những cây còn sống" - ông Phong nói.

Giãi bày thêm về những hậu quả sau cơn dông, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, dông lốc đi qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chiếu sáng của thành phố. 

"Những hậu quả của cơn dông vừa qua cũng còn có vấn đề của lịch sử, cũng như nhiều yếu tố khác cộng lại. Sắp tới TP Hà Nội sẽ có hội thảo để tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, người dân về việc trồng cây mới trên địa bàn thành phố" - ông Phong nói.

Sau cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội, gần 1.300 cây xanh đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành, 2 người bị chết và 5 người khác bị thương.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đánh giá, trận dông lốc chiều 13/6 tại Hà Nội là cơn dông cực kỳ mạnh, nguy hiểm, trong khoảng vài chục năm chưa từng xảy ra tại Hà Nội.

Lý giải về mức độ thiệt hại do cơn dông gây ra, chuyên gia Lê Thanh Hải cho biết, ở khu vực nội thành bị ảnh hưởng nặng nề trong khi các huyện ngoại thành ít bị ảnh hưởng hơn. Điều này do hiệu ứng đô thị. 

Khu vực  thành phố mật độ nhà cao tầng dày, bê tông hóa lớn nên hấp thu nhiệt tạo dòng đối lưu mạnh hơn. Trong khi đó, khu vực nông thôn, ít dân cư, mật độ nhà cao tầng ít thì sự hấp thu nhiệt thấp hơn. Về mùa hè, khu vực thành thị thường có nền nhiệt độ cao hơn từ 2-3 độ so với khu vực nông thôn.

Ai chịu trách nhiệm khi cây xanh đè chết người?

Hai người tử vong, nhiều trường hợp nhập viện sau trận dông lốc chiều 13/6 làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm khi cây xanh gây họa.

Khánh An

Bạn có thể quan tâm