Tại phiên chất vấn sáng 8/12 về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn, đại biểu HĐND Hà Nội đặt nhiều câu hỏi cho đại diện sở, ngành và lãnh đạo thành phố. Hầu hết cho rằng đây là thực trạng nhức nhối, kéo dài, gây bức xúc trong nhiều năm.
Khai thác trái phép do "quy luật cung cầu"
Đại biểu Nguyễn Kim Dung (huyện Gia Lâm) nêu tình trạng cát tặc trên sông Cà Lồ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và đặt câu hỏi về việc kiểm tra, xử lý, có hay không tình trạng “bảo kê”.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng việc phát hiện xử lý cát tặc khó khăn do thiếu hụt về nhân lực, thiết bị. Ngoài ra, hành vi khai thác trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm, dẫn đến việc truy bắt tiềm ẩn nguy hiểm.
Ghi nhận thực trạng này, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay việc khai thác cát trái phép khó được giải quyết triệt để là do nhiều nguyên nhân, có yếu tố lịch sử.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo ông Hùng, quy định quản lý cát đá sỏi ở cấp địa phương còn chồng chéo, sự phân công, phân nhiệm giữa các sở ngành, các cấp nhiều sơ hở. Quản lý sông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, luồng lạch là Sở Giao thông Vận tải, quản lý vật liệu do Sở Xây dựng, kinh doanh thì do Công Thương còn trật tự thì do công an.
"Do quy luật cung cầu, người dân, các doanh nghiệp lợi dụng khai thác trái phép. Nhà nước thì thất thoát, nhân dân thì bức xúc, tạo ra dư luận không tốt trong thời gian dài", ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận.
Thời gian tới, Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh sẽ yêu cầu các đơn vị cấm phát sinh các điểm khai thác mới, trong khi bỏ các điểm khai thác hết hạn, khai thác trái phép. Ngoài ra, thành phố hạn chế cấp phép mới cho các địa điểm khai thác cát, ngoại trừ trường hợp cụ thể có lịch sử là cảng, từng được các cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách.
Ông Hùng cho biết TP đã yêu cầu các quận, huyện xử lý hơn 100 điểm khai thác, tập kết trái phép gây bất bình. Công an địa phương xử phạt ngay nếu phát hiện tình trạng mua bán cát đá sỏi không có chứng từ, hóa đơn.
Không gia hạn bãi khai thác cát
Đề cập đến việc Hà Nội có nên đấu thầu cho khai thác các mỏ cát hay không, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng ngay cấp lãnh đạo UBND, Thành ủy, HĐND thành phố còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, nếu có tổ chức đấu thầu, thì thành phố phải giao các đơn vị chức năng công khai, minh bạch điều kiện, xin ý kiến người dân khu vực đó.
"Phải làm rõ đấu thầu khai thác cát ở đó người dân được lợi gì. Chứ không phải cứ đem 23 điểm mỏ đó để đấu giá lấy tiền. Kinh tế là quan trọng nhưng không đánh đổi môi trường", Phó chủ tịch thành phố nói.
Cùng với đó, thành phố cũng quán triệt quan điểm mỏ nào hết hạn thì đóng cửa. "Dù còn trữ lượng để khai thác, chúng tôi cũng trả lời thẳng là không gia hạn, không khai thác nữa", ông Hùng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội giao Công an thành phố kiểm tra, xử lý toàn bộ dọc các lòng sông đối với vấn đề cát tặc. "Thiếu phương tiện, thiếu lực lượng gì thì thành phố sẽ hỗ trợ. Vụ việc để xảy ra trên lòng sông là trách nhiệm của Công an thành phố", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định thành phố không bao giờ bảo kê, dung túng cho các đối tượng vi phạm pháp luật, khai thác cát sỏi trái phép. Ông nêu bằng chứng Hà Nội là địa phương có lực lượng chức năng tham gia xử lý, bắt giữ cát tặc nhiều nhất cả nước.