Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân bức xúc cát tặc, vào nhà chủ tịch xã 'đánh trống, thổi kèn'

Đại biểu HĐND Hà Nội nêu hàng loạt câu hỏi về nạn khai thác cát sỏi trái phép gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm nay, ảnh hưởng an toàn đê điều.

  • Hai nội dung chất vấn tại HĐND Hà Nội ngày 8/12: Công tác quản lý cát sỏi và việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và ở nơi công cộng.
  • Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp thu và giải trình một số vấn đề.
  • Nhiều sở, ngành và Công an thành phố trả lời về việc khai thác cát trái phép

    Tại phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu đặt câu hỏi cho đại diện các sở, ngành như: Công an thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện về công tác quản lý khai thác cát và các bến bãi ven sông.

    Theo Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, HĐND TP lựa chọn vấn đề này để các đại biểu chất vấn bởi đây là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cho rằng việc khai thác cát sỏi lòng sông và quản lý các bến bãi bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí vi phạm pháp luật.

    Công an thành phố và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt song tình hình không cải thiện. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết bãi khai thác cát sỏi ven sông ở Hà Nội đều là bãi trái phép.

    Ảnh: Bảo Lâm.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 1

  • Chất vấn về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức vào buổi chiều

    Tại phiên chất vấn buổi chiều, HĐND TP thảo luận, chất vấn các sở, ngành của thành phố về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và ở nơi công cộng.

    Sau hơn 3 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực công sở.

    Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục. Thiết bị nhập dữ liệu dịch vụ công trực tuyến và màn hình tra cứu trạng thái hồ sơ hư hỏng. UBND phường không niêm yết lịch tiếp công dân, quy tắc ứng xử nơi công cộng niêm yết chiếu lệ, khó nhìn. Một số nơi công cộng như bến xe, công viên chưa có bảng quy tắc ứng xử…

    Lãnh đạo HĐND Hà Nội đề nghị các đại biểu tranh luận, chất vấn để cải thiện, thực hiện tốt hơn các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, nhất là bộ phận tiếp công dân trong năm tới.

  • Hoạt động khai thác cát trái phép gây bức xúc dư luận

    Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hai nội dung chất vấn sáng nay đã được triển khai các công tác quản lý, nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. 

    Đối với công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi lòng sông, mặc dù thời gian qua đã được UBND các cấp có biện pháp để bảo vệ, quản lý nhằm đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, việc quản lý bến bãi chứa cát, sỏi, đá còn nhiều bất cập, hạn chế.

    "Hoạt động khai thác trái phép vẫn đang diễn ra rất phức tạp, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn hệ thống đê điều, an ninh trật tự và sản xuất, đời sống nhân dân gây bức xúc dư luận thời gian qua", bà Ngọc nêu thực trạng. 

    Đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức, người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, thường trực HĐND TP đã thực hiện phiên giải trình vào tháng 3 năm 2018 và Ban Thường vụ thành ủy đã kiểm tra về việc triển khai kết quả thực hiện về phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trong đó triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử.

    Sau phiên giải trình, UBND TP đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của thành phố.

    Bà Ngọc đánh giá kết quả có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện quy tắc ứng xử vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, một số công chức viên chức nhất là cấp xã, phường vẫn còn thái độ chưa đúng mực. Ý thức và tinh thần thực hiện chưa cao trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.

    Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu mở đầu phiên chất vấn. Ảnh: Quỳnh Trang.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 2

  • Cát tặc khai thác ngày đêm, ngang nhiên

    Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) nhấn mạnh cát tặc là vấn đề phức tạp và hỏi Công an thành phố việc trên địa bàn có 13 điểm khai thác cát trái phép rất phức tạp, gây bức xúc trong dự luận, thất thu ngân sách Nhà nước. Ông cho biết công tác kiểm tra, quản lý còn nhiều bất cập và đề nghị Công an Hà Nội nêu nguyên nhân, giải pháp.

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (Gia Lâm) hỏi lãnh đạo huyện và Công an huyện Sóc Sơn việc khai thác cát trái phép tại địa bàn xã Xuân Thu, ven sông Cà Lồ gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, sau nhiều lần phản ánh, chưa được cơ quan chức năng vào cuộc. Đại biểu hỏi có hay không việc bảo kê của địa phương, và phương hướng xử lý.

    Đại biểu Dương Thị Hằng (Gia Lâm) hỏi việc khai thác cát trái phép tại xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ diễn ra ngang nhiên, lộng hành. Đại biểu đề nghị lãnh đạo huyện và xã trả lời vấn đề này và vai trò, trách nhiệm để giải quyết bức xúc của người dân.

    Đại biểu Trần thị Vân Hoa (Tây Hồ) hỏi Công an huyện Đan Phượng việc khai thác cát trái phép, lộng hành ở ven sông Hồng trên địa bàn huyện rất phức tạp. Cát tặc ngày đêm đục khoét lòng sông, bà đề nghị lãnh đạo và công an huyện làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

  • 'Ban ngày neo ở Vĩnh Phúc, đêm trôi về Hà Nội để hút trộm cát'

    Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn thừa nhận cát tặc là tình trạng nhức nhối suốt nhiều năm qua trên địa bàn. Lực lượng chức năng huyện đã tập trung xử lý, kiểm tra, xử phạt hàng chục trường hợp mỗi năm với số tiền phạt hàng trăm triệu.

    Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực, vật lực, nên tình trạng chưa có dấu hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, việc khai thác trộm chủ yếu vào ban đêm, nên việc mật phục, bắt quả tang tiềm ẩn nhiều phức tạp, nguy hiểm.

    “Huyện chỉ được trang bị một xuồng và có một đồng chí công an có giấy phép lái xuồng này, trong khi khai thác ở giữa lòng sông, nên mật phục rất khó khăn”, ông Tuấn nêu. Cùng với đó, là đối tượng khai thác lợi dụng việc neo đậu ở các điểm giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó đêm khai thác trộm ở địa phận Hà Nội.

    Ông đề nghị TP sớm đấu giá quyền khai thác cát, phê duyệt giá khởi điểm để sớm chấm dứt thất thu cho ngân sách Nhà nước, thành phố, giữ ổn định trật tự trên địa bàn.

  • Dân bức xúc cát tặc, vào nhà chủ tịch xã “đánh trống, thổi kèn”

    Ông Hồ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ), cho biết cát tặc vẫn lộng hành trên địa bàn xã. Họ ồ ạt đến xã khai thác cát như một công trường từ 2018, khai thác cả ngày cả đêm. Huyện và TP đã lập các chuyên án. Đến cuối 2019, tình trạng khai thác ồ ạt chấm dứt. Đến năm nay, họ trở lại và chủ yếu khai thác ban đêm. Công an TP đã ra quân quyết liệt. Mấy đêm gần đây, vẫn còn một số tàu khai thác chộp giật.

    Hiện nay, xã đang được giao quyền nhưng không giao cơ chế. Họ khai thác giữa lòng sông. Chúng tôi không có phương tiện nên không làm gì được. Ví dụ như chúng tôi phải xin một cái tàu cao tốc và xin một lực lượng chuyên dụng, hiện cả xã và huyện đều không có.

    "Giai đoạn 2018, 2019, chủ tịch xã cũng rất áp lực. Nhân dân bức xúc, mua trống, kèn, đèn để xua đuổi tàu hút cát. Không xua đuổi được thì vào nhà chủ tịch đánh trống thổi kèn, họ mất lòng tin với chính quyền xã. Vết thương lòng này không biết bao giờ mới xong. Cũng may là công an TP và huyện vừa rồi đã xử lý rất quyết liệt", Chủ tịch xã Xuân Đình cho biết.

    Lãnh đạo xã nhận định địa hình cát lòng sông ở Xuân Đình rất đẹp nên cát tặc nhòm ngó. Mong TP quan tâm hàn gắn lại. Với người thì hàn gắn lòng người, với đoạn kè bị lở do hút cát thì xin tiền để sửa lại. Nếu không được trang bị phương tiện và lực lượng, xã đề xuất một lực lượng CSGT chốt tại địa bàn xã để chấm dứt cát tặc.

    Ông Hồ Quốc Khánh. Ảnh: Quỳnh Trang.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 3

  • Đề xuất hạ mức thu lợi bất chính để xử lý hình sự

    Trả lời câu hỏi về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn và công tác xử lý, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng công an huyện Đan Phượng, cho biết huyện có 15 km dòng sông Hồng chảy qua và hiện có 4 tổ chức có giấy phép thực hiện dự án khai thác cát nổi, trong đó một doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án đã hết thời gian khai thác từ ngày 1/5/2020. Một số công ty khác cũng đã có giấy phép nhưng chưa xong các thủ tục.

    Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng huyện Đan Phượng phát hiện và bắt 7 vụ, 7 đối tượng, xử phạt hành chính gần 200 triệu.

    Ông Khanh cho biết trong thời gian dịch bùng phát, lực lượng công an cấp huyện và xã tăng cường công tác phòng chống dịch này. Do đó, một số đối tượng trên địa bàn khác cũng lợi dụng việc này để khai thác cát trái phép.

    Đầu tháng 6, lực lượng công an huyện cùng các phòng chức năng cơ quan thành phố tổ chức lực lượng bắt giữ một số vụ việc trên địa bàn giáp ranh của Đan Phượng. Công an TP đã chủ trì, chỉ đạo, bắt khởi tố 5 vụ với 29 đối tượng về những hành vi khai thác cát trái phép.

    Trưởng công an huyện Đan Phượng cho rằng khai thác cát trái phép là một tệ nạn xã hội, như trộm cắp, tham nhũng. Tuy nhiên, chế tài xử lý hình sự khó hơn vì theo quy định, những hành vi thu lợi bất chính trên 100 triệu thì mới có thể khởi tố hình sự. 

    "Như hành vi trộm cắp thì có thể chặt một cái cây ngoài đường 2 triệu là khởi tố được nên việc chế tài cho hành vi khai thác cát vẫn còn rất nhẹ. Tôi cho rằng để xử lý triệt để, chế tài xử lý hình sự phải hạ mức thu lợi bất chính, để những người có ý định về khai thác tài nguyên trái phép không dám làm nữa", ông Khanh đề xuất. 

    Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng công an huyện Đan Phượng. Ảnh: Quỳnh Trang

    phien chat van HDND Ha Noi anh 4

  • 'Lực lượng chức năng xuất hiện thì rút vòi'

    phien chat van HDND Ha Noi anh 5

    Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng. Ảnh: Quỳnh Trang.

    Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết lực lượng chức năng huyện rất tập trung xử lý việc khai thác cát trái phép, song, gặp rất nhiều khó khăn.

    Ông cho biết tàu khai thác trộm chủ yếu là tàu thuê, người khai thác trộm khi điều tra ra hầu hết là các hộ dân khó khăn. “Truy tố được một vụ cũng rất khó khăn, chúng tôi đều phải mời các cơ quan tư pháp, hướng dẫn thủ tục, quy định”, ông Hoàng nói.

    Huyện cũng tuyên truyền, công bố số điện thoại của chủ tịch xã, chủ tịch huyện và công an địa phương để người dân phản ánh. Ông cho biết nhiều đêm, 12h, 1h sáng người dân cũng gọi điện phản ánh tình trạng cát tặc.

    “Không có lực lượng chức năng là thò ống hút xuống lòng sông, lực lượng chức năng xuất hiện thì họ rút ống rời đi. Việc xử lý rất khó”, Chủ tịch huyện Đan Phượng nói.

    Thời gian tới, ông Hoàng cho biết huyện sẽ tăng cường kiểm tra, vận động người dân ký cam kết không tham gia khai thác cát trái phép, tập trung xử ý nghiêm, đặc biệt xử lý hình sự để răn đe đối với đối tượng khai thác cát trái phép.

  • Công an TP Hà Nội: Cam kết xử lý 13 điểm có cát tặc

    Trả lời chất vấn của các đại biểu, đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết trên địa bàn TP còn 13 điểm tiềm ẩn phức tạp về khai thác cát trái phép.

    Về phương thức thủ đoạn, các cá nhân được cấp phép khai thác bãi mỏ cát bãi nổi nhưng họ không khai thác đúng vị trí, tự ý đưa các tàu cát không được đăng ký vào khai thác. Họ thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian hoạt động, lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối để khai thác. Một số đơn vị yêu cầu cung cấp xuồng, việc đó cũng rất khó. Các đối tượng khai thác cát lợi dụng vùng giáp ranh tỉnh này tỉnh kia. Khi xuồng chúng tôi đến thì họ nhổ neo chạy sang tỉnh khác.

    "Có trường hợp bán cát ngay trên sông hoặc chuyển về bến bãi. Phương tiện thì thường cải hoán, gắn vòi, hết hạn đăng kiểm. Chúng tôi đã kiến nghị Sở GTVT các phương tiện không neo đậu trên sông cũng phải kiểm tra. Thời gian qua đã phát hiện 97 vụ, 139 cá nhân", ông Tùng chia sẻ.

    Điển hình là ngày 26/5, Công an Hà Nội đã lập chuyên án và bắt giữ 13 tàu cát, 8 tàu hút, 1.500 m3 cát. Qua củng cố chứng cứ, công an đã khởi tố tạm giam 29 người.  Từ đó, tình hình khai thác cát trái phép giảm hẳn.

    "Liên quan đến 13 điểm này, chúng tôi cam kết với trách nhiệm của lực lượng công an không để lực lượng khai thác cát trái phép trên sông. Chúng tôi là lực lượng chủ công nên nhận trách nhiệm việc đó. Còn về các bến bãi, sở ngành địa phương phải phối hợp với chúng tôi", ông Tùng chia sẻ.

    Về giải pháp xử lý, ông Tùng cho biết công an đã ký quy chế phối hợp 8 tỉnh giáp ranh về vấn đề khai thác cát nhưng kế hoạch sơ kết thời gian qua chưa thường xuyên.

    Tới đây, Công an TP sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng để xử lý. Khi lực lượng công an chính quy về đảm nhận vị trí xã, lực lượng này sẽ là nòng cốt để phát hiện, đấu tranh với khai thác cát trái phép.

    Ông Tùng cho rằng thanh tra giao thông cũng nên tiếp tục phối hợp với công an giải quyết các phương tiện vi phạm, xem xét xử lý hình sự cả các phương tiện chở quá tải, quá khổ từ các bến bãi ra.

    "Chúng tôi kiến nghị Sở GTVT xử lý phương tiện vi phạm đăng kiểm. Chúng tôi đã có 25 kiến nghị đến các sở ban ngành, giải quyết các bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể các bến sông. Bến bãi không phép cương quyết phải xử lý", lãnh đạo Công an Hà Nội chia sẻ.

    Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 6

  • Làm rõ trách nhiệm khi để tồn tại các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép

    Trong lần đặt câu hỏi thứ 2, các đại biểu chủ yếu chất vấn về các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép hoặc đã hết hạn nhưng chưa được xử lý tại huyện Đan Phượng, Đông Anh, Hoàng Mai. 

    Lãnh đạo các địa phương được đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm trong việc hướng dẫn doanh nghiệp cho thuê đất, gia hạn giấy phép và thời gian hoàn thiện, lộ trình giải quyết tồn tại ở những bãi tập kết này. 

    Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy) gửi câu hỏi đến Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm xử lý các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên toàn thành phố, trách nhiệm của Sở, trách nhiệm của chính quyền và lộ trình khắc phục cụ thể thời gian tới. 

    Theo bà Thủy, việc chỉ đạo xử lý những bãi tập kết này đã được gia hạn kết thúc trước ngày 20/10/2018, cách đây 2 năm. Nhưng đến nay, thành phố vẫn còn 92/132 bãi tập kết không đảm bảo tiêu chí nhưng vẫn chưa được giải tỏa, chiếm 70% các bãi tập kết trên toàn thành phố. 

    Một số đại biểu tham gia chất vấn về trách nhiệm trong việc để tồn tại các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ở các quận, huyện. Ảnh: Quỳnh Trang. 

    phien chat van HDND Ha Noi anh 7

    phien chat van HDND Ha Noi anh 8

  • Hoàng Mai xin cơ chế đấu giá đất bến bãi ven sông Hồng

    Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết trên địa bàn quận hiện có 12 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven bờ sông Hồng. Những bãi này đã được thành lập từ trước khi thành lập quận Hoàng Mai (trước 2004). Hiện nay còn 7 bãi chưa có hợp đồng cho thuê đất, những bãi này do các tổ chức tự san lấp ao hồ hoặc thuê đất của UBND xã trước đây.

    Thời gian qua, Sở TN&MT có kết luận kiểm tra và báo cáo TP Hà Nội. UBND Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về các tổ chức được UBND các phường cho thuê đất trái pháp luật trên địa bàn Hoàng Mai. Văn bản đã chấp thuận chủ trương cho các tổ chức sử dụng đất, đã xây dựng công trình trên đất tính đến thời điểm Sở TN&MT kết luận thanh tra được hoàn thiện các thủ tục về đất đai và ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước theo quy định.

    "Căn cứ vào đó, quận yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng, nộp tiền thuê đất và hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Ngoài ra, UBND quận cũng chỉ đạo kiên quyết giải tỏa 5 điểm chứa vật liệu xây dựng mới phát sinh", ông Tâm chia sẻ.

    Lãnh đạo quận cho biết tại khu vực bãi sông Hồng thuộc quận Hoàng Mai chưa có quy hoạch phân khu đô thị. Nhìn chung các bãi chứa vật liệu xây dựng trên địa bàn quận phù hợp các tiêu chí. Do đó, quận đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ về quy hoạch đất đai, xin phép TP cho quận tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với điều kiện khi Nhà nước thu hồi thì phải hoàn trả ngay.

    Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai. Ảnh: Quỳnh Trang.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 9

  • Đề xuất tăng mức phạt cho xe chở quá trọng tải

    Ông Trần Nhật Quang, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho biết với tinh thần, trách nhiệm được giao, thực hiện trách nhiệm của Bộ GVTV và Sở GTVT trong công tác kiểm tra, xử phạt các lĩnh vực về đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, kiểm soát tải trọng thì lực lượng thanh tra cũng tham mưu, đề xuất với Sở.

    Đối với đầu mối bốc xếp thì đã tổng kiểm tra và xử lý được 13 doanh nghiệp ngay tại đầu mối bốc xếp. Qua công tác kiểm tra, xử phạt gần 70 triệu đồng đối với các trường hợp về chở quá tải trọng; tổng kiểm tra và xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép trên địa bàn Long Biên, Đan Phương, Mê Linh, Sóc Sơn,…

    Đối với những trường hợp xử lý về chở quá tải, lực lượng thanh tra của Sở GTVT đã xử phạt trên 3.000 trường hợp với số tiền xử phạt hành chính trên 35 tỷ đồng.

    Ngoài ra, các hình thức phạt bổ sung khác cũng được thực hiện như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tước phù hiệu, tước giấy kiểm định và tem kiểm định đối với các phương tiện vi phạm trong thời gian từ 2-4 tháng đối với các trường hợp chở quá tải.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 10

    Ông Quang cho biết mặc dù có những số lượng xử lý như vậy nhưng lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài xế vi phạm. Do mức phạt cao, có những mức phạt lên tới 70-80 triệu đồng, ngừng hoạt động của phương tiện đó từ 2-4 tháng thì sự chống đối của lái xe với lực lượng kiểm tra xảy ra thường xuyên.

    Ngoài ra, lực lượng thanh tra thì thẩm quyền tạm giữ cũng bị hạn chế, việc dừng một xe tuyến đường hoặc tuyến đê khó. Lái xe thường dừng xe ở nơi có thể gây ra cản trở giao thông, mất an toàn giao thông và bỏ đi, có những trường hợp mất cả ngày cả đêm để thuyết phục lái xe thực hiện kiểm tra.

    Do đó, Chánh thanh tra Sở GTVT kiến nghị việc tăng chế tài đối với các xe vi phạm, không chỉ tăng về mức phạt hành chính mà còn về mặt xử lý hình sự với lái xe, đặc biệt là với những phương tiện chở quá tải trọng. 

  • Xe quá tải xâm phạm an toàn đê điều

    Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thừa nhận việc khai thác cát phức tạp do đây là nguyên vật liệu thiết yếu, phục vụ xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thực trạng này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội mà còn đe dọa, xâm phạm đến an toàn đê điều.

    Bên cạnh đó, các bến bãi tập kết, khai thác trái phép cùng với việc xe quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông trên mặt đê ảnh hưởng xấu đến hệ thống đê điều, đe dọa đến sự an toàn của người dân, giảm khả năng chống lũ.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 11

    Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ. Ảnh: Quỳnh Trang.

    Thời gian tới, lãnh đạo Sở cho biết sẽ lắp đặt thêm các mố, gờ giảm tốc, hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên mặt đê. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, lắp đặt các biển báo, biển cấm, phối hợp xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm an toàn hành lang đê điều.

    Tuy nhiên, việc xử lý khó khăn do nhân lực có hạn, việc vận chuyển cát sỏi trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Sở đã tham mưu thành phố, phối hợp với các sở tìm giải pháp ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm.

    Ông cũng đề nghị các đơn vị thành phố tham mưu, đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đê điều, mở rộng mặt cắt, tăng khả năng chịu tải đối với mặt đê. Việc nâng tải trọng sẽ giúp xe có tải trọng lớn hơn lưu hành trên đường đê.

  • Hoàn thành đấu giá bãi vật liệu xây dựng ven sông Hồng trong năm 2021

    Trả lời chất vấn các đại biểu về việc quản lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 240 điểm tập kết, 43 điểm đã được cho thuê đất, 197 điểm chưa có thủ tục về thuê đất. Chính quyền đã giải tỏa được 74 điểm, các điểm còn lại vẫn đang hoạt động.

    Với các điểm này, nguồn gốc đất chủ yếu là đất công, một số ít là đất thổ cư, nông nghiệp. Các diện tích đất công phải được đấu giá quyền sử dụng đất, khi sử dụng phải đảm bảo hành lang thoát lũ. Với những điểm là đất của dân thì kiến nghị lập hồ sơ cho phép các hộ chuyển mục đích sử dụng đất.

    Thời gian tới, các sở ngành, quận huyện tiếp tục triển khai, với các tiêu chí cho thuê đất, cấp phép. Sở TNMT sẽ cùng các quận huyện tiếp tục rà soát, tổ chức đấu giá với các điểm phù hợp quy hoạch, hoàn thành trong năm 2021.

    Trước đó, từ năm 2018, UBND TP đã có văn bản hướng dẫn tiêu chí chọn điểm tập kết là không được vi phạm hành lang đê điều, cách khu dân cư trên 50 m, có đường giao thông thuận lợi, không chồng lấn luồng chạy tàu, phải kết hợp được với bến thủy nội địa…

    Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

    phien chat van HDND Ha Noi anh 12

  • Làm rõ nguyên nhân của việc quản lý chồng chéo

    Phần đặt câu hỏi tiếp theo của các đại biểu đi sâu vào nội dung quản lý các bến bãi thủy hoạt động không phép. 

    Một số đại biểu đặt vấn đề tại các điểm được cấp phép khai thác, sau khi hết hạn khai thác chưa được quan tâm. Việc này khiến các đơn vị chức năng khó đánh giá sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp, đánh giá tác động môi trường của việc khai thác tới các bãi sông và dòng chảy.

    Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết trách nhiệm của mình và biện pháp tham mưu cho thành phố thực hiện quản lý khai thác cát sỏi thời gian tới. 

    Trong khi đó, đại biểu Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) nêu ra số liệu 70% các bến bãi hoạt động không đúng theo quy định hoặc không phép. Do đó, ông Dương đặt câu hỏi về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào.

    Ngoài ra, ông đặt câu hỏi về nguyên nhân của việc chưa có sự thống nhất trong quản lý chồng chéo, chưa đồng bộ của các sở ngành thành phố, trách nhiệm và đề nghi các biện pháp để nâng cao hiệu quả, cũng như xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện của thành phố thời gian tới. 

  • Đấu giá và khai thác 5 điểm khai thác cát sỏi từ tháng 1/2021

    Về vấn đề khai thác cát không đúng với giấy phép, ảnh hưởng lòng sông, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết trong giấy phép khai thác đều có quy định về tọa độ, chỉ tiêu khai thác, không được ảnh hưởng đến bờ bãi, dòng chảy. Sau khi hết hạn khai thác, đơn vị phải phục hồi môi trường. Khi có chuyện khai thác sai giấy phép, trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức cá nhân được cấp phép.

    Về công tác thăm dò, phê duyệt thăm dò và đấu giá quyền khai thác, Sở TNMT và các quận huyện đã lập đề án thăm dò, ông Đông cho biết TP Hà Nội còn 23 điểm mỏ. Sở đã báo cáo TP phê duyệt đề án thăm dò 23 điểm này, tổ chức đấu thầu chia làm 3 giai đoạn.

    TP đã phê duyệt kết quả thăm dò và ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác với 5/23 mỏ. Sở đang thẩm định mức giá và trình UBND. “Tháng 12 này, Sở TNMT sẽ đấu giá trước 5 điểm mỏ. Đến tháng 1/2021, 5 điểm này sẽ hoạt động, thu về ngân sách cho Nhà nước”, ông Đông thông tin.

  • Dừng cấp phép mới cho các điểm khai thác cát

    phien chat van HDND Ha Noi anh 13

    Ghi nhận thực trạng này, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay việc khai thác cát trái phép khó được giải quyết triệt để có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc buông lỏng quản lý, song, ông nhìn nhận có nhiều khó khăn về yếu tố lịch sử.

    Theo ông Hùng, quy định quản lý cát đá sỏi ở cấp địa phương còn chồng chéo, sự phân công, phân nhiệm giữa các sở ngành, các cấp có nhiều sơ hở. Quản lý sông thuộc Sở Nông nghiệp, luồng lạch là Sở Giao thông, quản lý vật liệu do Sở Xây dựng, kinh doanh thì do Công Thương còn trật tự thì do công an.

    "Chính vì thế, do quy luật cung cầu, người dân, các doanh nghiệp lợi dụng khai thác trái phép. Nhà nước thì thất thoát, nhân dân thì bức xúc, tạo ra dư luận không tốt trong thời gian dài", ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận.

    Thời gian tới, Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh sẽ yêu cầu các đơn vị cấm không để phát sinh các điểm khai thác mới, trong khi bỏ các điểm khai thác hết hạn, khai thác trái phép. Ngoài ra, thành phố cũng hạn chế cấp phép mới cho các địa điểm khai thác cát, ngoại trừ những trường hợp cụ thể có lịch sử là cảng, từng được các cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách.

  • Xem xét trách nhiệm người đứng đầu ở nơi xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép

    Kết luận phiên chất vấn buổi sáng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên vấn đề khai thác cát sỏi trái phép được đưa ra chất vấn trước hội đồng nhân dân. Đây là một lĩnh vực khó và liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa giới hành chính... 

    "Hội đồng nhân dân chọn chủ đề này để chất vấn là trúng và đúng, đúng với yêu cầu của thành phố và trúng với tâm tư nguyện vọng, yêu cầu quản lý của thành phố", bà Ngọc nói. 

    Thống kê cho thấy trong phiên chất vấn sáng nay, 19 đại biểu đặt câu hỏi nhưng 60% không phải là đại biểu chuyên trách của hội đồng mà là đại biểu cấp quận, phường. 14 lượt cán bộ sở, ngành trả lời chất vấn, trong đó có Phó chủ tịch UBND TP. 

    Chủ tịch HĐND Hà Nội cho biết mặc dù là nội dung khó nhưng thành phố đã ban hành 20 văn bản đôn đốc các cơ sở, trong đó quy định rõ thế nào là đủ điều kiện khai thác hoặc thời hạn để giải tỏa các bãi tập kết phế liệu...

    Dù vậy, việc khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, những nơi được cấp phép cũng không khai thác đúng quy định hoặc có những nơi khai thác trái phép. Các trạm trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép cũng chưa được xử lý dứt điểm.

    Chủ tịch HĐND Hà Nội đề nghị các sở, ngành Hà Nội rà soát lại các công tác phân công, phân nhiệm, chế tài xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi xảy ra những tình trạng ở những nơi đã được giao nhiệm vụ quản lý vấn đề khai thác cát sỏi. 

    Ngoài ra, UBND TP cần rà soát, bổ sung các quy định đã ký với 8 tỉnh thành, rà soát lại quy chế, xem xét trách nhiệm các bên để phối hợp chặt chẽ hơn. 

    Theo lịch, phiên chất vấn của HĐND Hà Nội sẽ quay trở lại vào chiều nay, với nội dung về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và ở nơi công cộng.

Sơn Hà - Mỹ Hà - Ngọc Tân

Ảnh: Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm