Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội khôi phục điện Kính Thiên

Cung điện từ thế kỷ 11 và có tầm quan trọng bậc nhất vào thời Lê dự kiến được phục dựng sau khi mô hình 3D hoàn tất.

Mô hình 3D phục dựng điện Kính T hiên. Ảnh:
Mô hình 3D phục dựng điện Kính Thiên. Ảnh:Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là chủ đầu tư lập đề án với phạm vi giới hạn vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triểu đại có liên quan làm cơ sở đối sánh. Trong đó, triều Lê (thời Lê Trung Hưng) sẽ được tập trung nghiên cứu.

Phạm vi không gian nghiên cứu tổng quan gồm giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử. Không gian điện Kính Thiên gồm các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác. Trong đó, quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính thiên.

Theo UBND Hà Nội, mục tiêu của đền án nhằm sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, thực hiện công tác khai quật khảo cổ. định hướng nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian Điện Kính Thiên một cách khoa học, xác thực thông qua các bản vẽ phong cách học, mô hình khôi phục 2D, 3D...

Trong năm 2016, chủ đầu tư phải báo cáo, đề xuất UBND TP về mô hình phục dựng điện Kính Thiên. Đây sẽ là tiền đề, cơ sở khoa học để cơ quan nhà nước quyết định khôi phục Chính điện Kính Thiên và toàn bộ không gian Điện Kính Thiên

Dấu tích rồng đá tại điện Kính Thiên. Ảnh: Phạm An Dương
Dấu tích rồng đá tại điện Kính Thiên. Ảnh: Phạm An Dương

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1010, sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã dựng điện Càn Nguyên tại vị trí núi Nùng, tức Long Đỗ (Rốn Rồng), nơi hội tụ khí thiêng non sông theo quan niệm phong thủy cổ truyền. Năm 1029, vua Lý Thái Tông mở mang thêm và đổi tên thành Thiên An. Sang đời Trần, điện được giữ nguyên tên.

Đến đời Lê, điện có tên là Kính Thiên do vua Lê Thái Tổ xây dựng vào năm 1428. Đây là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, tiếp sứ giả nước ngoài và thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự.
 
Năm 1816, điện Kính Thiên đã sụp đổ và vua Gia Long cho hủy bỏ điện này để xây hành cung. Trong suốt thời nhà Nguyễn cai trị, đây được xem là hành cung phía Bắc của các vị vua mỗi khi có việc từ Huế ra Bắc Hà.  

Qua thời gian, dấu tích điện Kính Thiên hiện chỉ còn là khu nền cũ. Nền điện dài 57 m, rộng 41,5 m, cao 2,3 m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100 cm.

Mặt trước, hướng chính nam của Điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm